PV: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác Đoàn và phong trào TTN năm 2016? Đ/c Phạm Văn Trường: Năm 2016, Huyện đoàn Nho Quan được suy tôn là lá cờ đầu trong khối Đoàn các huyện, thành phố, được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của tỉnh. Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi huyện Nho Quan năm qua có nhiều bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, chuyển biến tích cực; các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, có hiệu quả.
BTV Huyện đoàn quan tâm chỉ đạo các cơ sở Đoàn tích cực đẩy mạnh cuộc vận động "Tuổi trẻ Nho Quan học tập và làm theo lời Bác" bằng việc triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động, các công trình, phần việc cụ thể tại địa phương, nhất là các hoạt động trong chương trình "Tình nguyện mùa đông, xuân tình nguyện" ,"Tháng thanh niên", chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2016. Qua mỗi phong trào có trên 6.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia.
Các phong trào thi đua như: "Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc"; "Đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp"… được triển khai rộng khắp, thường xuyên, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Các cấp bộ Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo nguồn cho thanh niên vay vốn. Đến nay, tổng số tổ vay vốn và tiết kiệm do Đoàn thanh niên quản lý là 75 tổ với tổng dư nợ trên 63,8 tỷ đồng, giúp hàng nghìn lượt thanh niên được vay vốn để học nghề và phát triển sản xuất, góp phần tích cực giảm nghèo ở địa phương.
Các cán bộ, ĐVTN tại các xã, thị trấn cũng đã tích cực, hăng hái tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Các cấp bộ Đoàn đã huy động hàng nghìn lượt đoàn viên thanh niên tham gia đóng góp xây dựng các công trình, phần việc thanh niên.
Năm 2016, các cơ sở Đoàn trong huyện đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tặng 851 suất quà cho các đối tượng chính sách với tổng trị giá trên 485 triệu đồng. Hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa 3 nhà tình nghĩa cho các đối tượng gia đình chính sách, tổng trị giá trên 30 triệu đồng và 60 ngày công tình nguyện; tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho 1.680 đối tượng thuộc gia đình chính sách, người già, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên được coi trọng. Các cấp bộ Đoàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên tín đồ công giáo. Toàn huyện kết nạp mới được 1.633 đoàn viên mới; giới thiệu 217 đoàn viên ưu tú kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam...
PV: Theo đồng chí những khó khăn chủ yếu nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đoàn, đặc biệt là đối với một huyện miền núi như Nho Quan?
Đ/c Phạm Văn Trường: Nho Quan hiện có trên 36.000 thanh niên trong độ tuổi từ 16 - 30, chiếm 24,67% dân số và 41,3% lực lượng lao động xã hội của huyện. Toàn huyện có 41 cơ sở Đoàn (27 Đoàn xã, thị trấn; 6 Đoàn trường THPT, DNTN, TT GDTX, TC nghề; 8 Đoàn, chi đoàn hành chính sự nghiệp, LLVT).
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên hiện nay đang đứng trước rất nhiều thử thách, nhất là ở khối nông thôn. Vấn đề nghề nghiệp, việc làm và chất lượng cuộc sống đang là quan tâm hàng đầu của thanh niên. Đoàn viên thanh niên phải đi làm ăn xa trong các khu công nghiệp ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, đặc biệt là các tỉnh phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An,…chiếm số lượng lớn, lực lượng này không có mặt ổn định tại địa phương nên ảnh hưởng đến công tác tập hợp, quản lý và hoạt động của tổ chức đoàn ở khu vực nông thôn.
PV: Từ thực trạng đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn Nho Quan đã đề ra những giải pháp gì để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn các cấp, nhất là ở địa bàn khu dân cư?
Đ/c Phạm Văn Trường: Với phương châm hướng về cơ sở, thời gian qua, bám sát chủ đề công tác năm và sự chỉ đạo của BTV Tỉnh đoàn về đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, hoạt động của Đoàn cơ sở, BTV Huyện đoàn Nho Quan đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm đa dạng hóa các hình thức tập hợp thanh niên, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn.
Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, công tác Đoàn và phong trào thanh niên phải bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Hiện nay, nhiệm vụ và quyết tâm chính trị cao của cán bộ và nhân dân trong huyện là tuyên truyền, vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn. Ban Thường vụ Huyện đoàn chủ động tham mưu, đăng ký với huyện xây dựng 2 mô hình nuôi dê và lợn bản địa trong thanh niên trên địa bàn huyện.
Thành lập câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế để khuyến khích thanh niên khởi nghiệp và tạo việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên, để thanh niên yên tâm gắn bó ở lại địa phương sinh hoạt và lao động sản xuất, kinh doanh. Ban Thường vụ Huyện đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo nguồn cho thanh niên vay vốn. Đến nay, tổng số tổ vay vốn và tiết kiệm do Đoàn thanh niên quản lý là 75 tổ với tổng dư nợ trên 63,8 tỷ đồng, giúp hàng nghìn lượt thanh niên được vay vốn để học nghề và phát triển sản xuất, góp phần tích cực giảm nghèo ở địa phương.
Để tháo gỡ bài toán lực lượng tham gia hoạt động đoàn ở cơ sở, Huyện đoàn chia 27 Đoàn xã, thị trấn trong huyện thành 3 cụm liên kết Đoàn, Hội, Đội, đồng thời cũng là cụm thi đua nhằm tháo gỡ những khó khăn về lực lượng thanh niên tham gia các phong trào Đoàn tại cơ sở. Tích cực ứng dụng CNTT, kết nối thanh niên qua mạng xã hội Facebook và tuyên truyền hoạt động của các cơ sở Đoàn cũng như định hướng dư luận trong thanh niên.
Hiện nay, Huyện đoàn đã vận động xây dựng trang Facebook liên kết từ huyện đến cơ sở và các chi đoàn trên địa bàn dân cư để tạo sức lan tỏa trong công tác tuyên truyền cũng như chia sẻ mô hình hoạt động giữa các cơ sở đoàn bạn. Cùng với đó, xác định công tác cán bộ đoàn là yếu tố then chốt, Ban Thường vụ Huyện đoàn thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng công tác cho cán bộ chi đoàn trên địa bàn dân cư và Đoàn cơ sở để cập nhật và trang bị chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cần thiết, kịp thời cho đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở.
Quan tâm biên tập tài liệu nghiệp vụ, đối thoại trao đổi nghiệp vụ trực tiếp với bí thư chi đoàn hằng năm; vận động, khuyến khích cán bộ, đoàn viên thanh niên tích cực học tập, nâng cao trình độ để đáp ứng tốt yêu cầu trong tình hình mới.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Thùy Phương