Nhiều bất cập trong hoạt động chi đoàn Đồng chí Trần Văn Bách, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Qua thực tế cơ sở và qua khảo sát chất lượng hoạt động Đoàn trên địa bàn tỉnh cho thấy công tác xây dựng tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư còn bộc lộ một số hạn chế như: Nhận thức của một số tổ chức Đoàn và một bộ phận cán bộ Đoàn về công tác xây dựng tổ chức của Đoàn còn hạn chế, thiếu tâm huyết, trách nhiệm; chưa phát huy khả năng đoàn kết, tập hợp thanh niên; còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác; chưa chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy và đoàn cấp trên; cá biệt một bộ phận đoàn viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, bị lôi kéo vào các tai, tệ nạn xã hội.
Nội dung, hình thức, chất lượng hoạt động Đoàn trên địa bàn dân cư ở nhiều đơn vị còn thiếu hấp dẫn, chưa có sự lan tỏa, tỷ lệ thu hút, tập hợp đoàn viên tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội chưa cao.
Theo khảo sát sơ bộ của Tỉnh đoàn: Hiện có khoảng 776/1.910 chi đoàn không duy trì hoạt động thường xuyên; 64 chi đoàn chỉ có bộ khung (Bí thư và Phó Bí thư chi đoàn); 74 chi đoàn trong một năm thay nhiều lần Bí thư chi đoàn. Đặc biệt, một số chi đoàn có hơn 20 đoàn viên nhưng hiện nay chỉ có ba người tham gia hoạt động, trong đó có một Bí thư và một Phó Bí thư...
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do đoàn viên thanh niên đi làm ăn xa nhiều; đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở luôn biến động, luân chuyển; sự quan tâm của một số cấp ủy địa phương đối với công tác Đoàn chưa thực sự tương xứng; sự ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường làm thay đổi, lệnh lạc tư tưởng của một bộ phận thanh niên, dẫn đến bộ phận này có lối sống thực dụng, thiếu tính "tự giáo dục", rèn luyện và ý thức phấn đấu vươn lên...
Đồng chí Nguyễn Thị Hương Sen, Bí thư Huyện đoàn Gia Viễn cho biết: Những năm gần đây, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn 12 chi đoàn chỉ có bộ khung (Bí thư và Phó Bí thư chi đoàn) và tỷ lệ tập hợp đoàn kết thanh niên chưa cao (trên 70%).
Điều này, ngoài nguyên nhân chính là do thanh niên đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ lớn thì chủ yếu vẫn là do sinh hoạt trên địa bàn dân cư hiện nay còn nghèo nàn về nội dung, đơn điệu về hình thức. Đa phần các chi đoàn chỉ tổ chức hoạt động vào dịp Tết Trung thu, lễ, tết, hội làng... với các nội dung như cắm trại, dọn vệ sinh môi trường, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ...
Trong khi đó, các hoạt động đồng hành với thanh niên trong việc làm, kỹ năng sống và hỗ trợ vật chất vẫn còn ít. Chất lượng cán bộ Đoàn còn nhiều bất cập, thiếu sự sáng tạo trong tổ chức điều hành. Một số cấp ủy chưa đánh giá, nhìn nhận hết về thanh niên, chưa mạnh dạn giao việc cho thanh niên.
Mặt khác, đội ngũ cán bộ chi đoàn gánh vác không ít công việc, thế nhưng, chế độ, chính sách dành cho các Bí thư, Phó bí thư Chi đoàn lại quá thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc. "Nếu coi Bí thư Chi đoàn là một nghề, một công việc thì thù lao, phụ cấp của Bí thư Chi đoàn hiện nay thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống, dẫn đến họ cũng không mấy mặn mà với hoạt động Đoàn"- Đồng chí Nguyễn Thị Hương Sen trăn trở.
Cán bộ Đoàn phải là những người khơi nguồn cảm hứng
Với phương châm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư, cuối tháng 3 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức buổi tọa đàm "Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư". Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ những người đang trực tiếp tham gia công tác Đoàn, những kinh nghiệm của các cựu thủ lĩnh thanh niên và những chia sẻ, quan tâm của các nhà lãnh đạo, quản lý.
Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn, đồng chí Đỗ Tuấn Anh, Bí thư Thành đoàn Tam Điệp cho rằng: Sự biến đổi đặc biệt của xã hội và nhu cầu của thanh niên đang đặt ra cho tổ chức Đoàn cũng như người cán bộ Đoàn câu hỏi, đó là thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn được lợi ích gì, Đoàn đem lại lợi ích gì cho thanh niên? Nếu như chúng ta trả lời được câu hỏi này thì bài toán về công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên trên địa bàn dân cư sẽ được giải đáp.
Thực tế hiện nay, thanh niên khi khởi nghiệp rất cần vốn, kỹ thuật. Song, để họ được tiếp cận với nguồn vốn là rất khó khăn vì những quy định chặt chẽ của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, rất cần một cơ chế "mở" để tổ chức Đoàn có thể "bắt tay" chặt hơn với ngân hàng, nhận ủy thác nguồn vốn lớn hơn, tạo điều kiện giúp thanh niên có nhiều hơn cơ hội được vay vốn đầu tư khởi nghiệp và lập nghiệp thành công.
Là người trưởng thành từ công tác Đoàn, Bí thư Đảng ủy xã Yên Lâm (Yên Mô) Nguyễn Văn Lịch cho rằng: Trong điều kiện mới, nhu cầu của thanh niên có nhiều thay đổi. Song, dù ở thời nào thì công tác Đoàn và phong trào thanh niên vẫn rất cần những thủ lĩnh thanh niên nhiệt huyết. Cán bộ Đoàn phải thực sự là những người khơi dậy niềm đam mê, tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ. "Cháy" hết mình cho các phong trào của Đoàn, chắc chắn các bạn sẽ được xã hội ghi nhận".
Đồng tình với quan điểm của Bí thư Đảng ủy xã Yên Lâm, đồng chí Phan Thành Công, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Khánh cho rằng: Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác thanh niên thì các cấp bộ Đoàn cũng cần phải chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong đó, đặc biệt là sự nhiệt tình, năng động của đội ngũ cán bộ Đoàn.
Phương thức hoạt động của Đoàn phải gắn với việc chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, thanh niên, qua đó phát huy tính sáng tạo, vai trò chủ thể của người đoàn viên trong sinh hoạt, xây dựng và hoạt động của chi đoàn.
Điều quan trọng là cán bộ Đoàn có thực sự dám nghĩ, dám làm và dám đồng hành với thanh niên trong hành trình lập nghiệp cũng như bồi đắp những kỹ năng xã hội cần thiết hay không? Các cấp ủy, chính quyền luôn tạo điều kiện để các cơ sở Đoàn, nhất là chi đoàn trên địa bàn dân cư hoạt động tốt. Trong thời gian tới, chúng ta cũng cần tính toán đến mô hình cán bộ cơ sở kiêm nhiệm một số chức danh, ví dụ Bí thư chi đoàn kiêm công an viên...
Hiện nay, ở Yên Khánh đã và đang rất thành công trong sắp xếp đội ngũ cán bộ ở thôn xóm theo hướng một người kiêm một số chức danh, góp phần tích cực tinh gọn đội ngũ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.
Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư hiện nay là vấn đề quan trọng và cấp thiết. Điều này cần sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó tổ chức Đoàn và thủ lĩnh Đoàn phải là những người tiên phong trong thay đổi tư duy và hành động.
Mai Lan