Kết quả tích cực từ các phiên giải trình
Hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh lần đầu được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình xác định tổ chức phiên giải trình là một hình thức giám sát của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp; là việc cơ quan Nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. Nội dung giải trình có thể là những vụ việc, vấn đề cụ thể hoặc rộng hơn là những vấn đề liên quan, bao quát chức năng nhiệm vụ của cả một ngành, cơ quan, một lĩnh vực.
Có thể coi, giải trình là cuộc kiểm tra, rà soát của Thường trực HĐND tỉnh đối với cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Hoạt động này được Thường trực HĐND tỉnh triển khai thực hiện phiên đầu tiên vào năm 2017. Thời điểm đó, do chưa có hướng dẫn thực hiện, Thường trực HĐND tỉnh đã giao Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban HĐND tỉnh tham mưu, xây dựng quy định về trình tự nội dung việc giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh; đây được coi là quy trình mẫu để tổ chức thực hiện bài bản các phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh.
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 10 phiên giải trình về các lĩnh vực: văn hóa - xã hội, pháp chế, kinh tế - ngân sách. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 2 phiên giải trình về thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê trên địa bàn tỉnh; về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, cam kết trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh. Những nội dung được Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giải trình là những vấn đề được xã hội quan tâm. Qua đó, đã phát huy tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc, cộng đồng trách nhiệm của các Ban HĐND tỉnh, nhất là trong việc tham mưu chuẩn bị nội dung phiên giải trình.
Việc chuẩn bị các nội dung giải trình là yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng của phiên giải trình, do đó Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ; các phiên giải trình luôn thu hút sự mong đợi và theo dõi sát sao của cử tri trong tỉnh. Tại các phiên giải trình, ngoài việc yêu cầu trả lời trực tiếp bằng văn bản, phiên giải trình diễn ra với tinh thần nghiêm túc, không khí thảo luận, tranh luận sôi nổi, cầu thị. Các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, trọng tâm, rõ địa chỉ và gắn với trách nhiệm của giám đốc các sở, ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, làm rõ trách nhiệm, đồng thời có biện pháp khắc phục, lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành. Thông qua đối thoại, tranh luận trực tiếp giữa đại biểu với người trả lời đã làm rõ hơn các nội dung các đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm, tạo không khí dân chủ, nghiêm túc, góp phần nâng cao hơn trách nhiệm của người được giải trình và các đại biểu HĐND tỉnh.
Kết luận các phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổng thể để khẩn trương xử lý dứt điểm, toàn diện, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; có các giải pháp, lộ trình cụ thể. Sau khi có Thông báo kết luận phiên giải trình, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các nội dung trong kết luận của phiên giải trình.
Nổi bật nhất phải kể đến là qua phiên giải trình về thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê trên địa bàn tỉnh đến nay đã giải quyết trên 75% số vụ việc vi phạm tập kết vật liệu trong hành lang bảo vệ đê; các đơn vị đã tiến hành tháo gỡ các công trình, lán tạm, trạm cân, băng tải, nhà điều hành vi phạm quy định pháp luật...
Có thể khẳng định, hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo hiệu ứng tích cực trong việc phát huy vai trò của Thường trực HĐND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Đồng thời, hoạt động giải trình có những tác động tích cực, đã làm rõ thực trạng trong công tác quản lý Nhà nước của các cơ quan, đơn vị; nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; giải pháp khắc phục và thời hạn giải quyết đối với các vấn đề, vụ việc cụ thể.
Qua giải trình đã nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, kết quả các phiên họp giải trình là kênh thông tin quan trọng làm cơ sở để Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định nhiều chủ trương, biện pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục nâng cao chất lượng phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh
Để phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh đạt hiệu quả và chất lượng cần nhiều yếu tố, trong đó việc lựa chọn nội dung, vấn đề đưa ra yêu cầu giải trình là một trong những yếu tố quyết định chất lượng, thành công của phiên giải trình. Phát huy kết quả đạt được và từ thực tiễn hoạt động trong thời gian qua, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục chỉ đạo xác định rõ lĩnh vực sẽ thực hiện giải trình và giao các Ban HĐND tỉnh có trách nhiệm tham mưu, giúp Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị nội dung để tổ chức phiên giải trình.
Trên cơ sở đó, các Ban của HĐND tỉnh có trách nhiệm tham mưu sẽ lựa chọn chủ đề cụ thể, đúng, trúng vấn đề yêu cầu giải trình. Tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc được cử tri quan tâm, các cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh, chú ý tới khả năng thực hiện, tránh dàn trải, hiệu quả đạt thấp. Các Ban HĐND tỉnh nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng vấn đề yêu cầu giải trình. Để có đủ căn cứ, nắm rõ vấn đề yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành giải trình, các Ban HĐND tỉnh lựa chọn các đối tượng để khảo sát.
Trong quá trình khảo sát, có sự phối hợp chặt chẽ với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình để ghi hình, thực hiện phóng sự; đây có thể được coi là bằng chứng quan trọng đối với vấn đề giải trình. Tổ chức giải trình đúng quy định của pháp luật, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, phát huy vai trò, trí tuệ của đại biểu HĐND tỉnh. Chủ tọa điều hành dân chủ, khoa học, linh hoạt, gợi mở vấn đề. Khuyến khích, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh. Chủ tọa yêu cầu giám đốc các sở, ngành liên quan đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ những mặt tích cực và những thiếu sót để khắc phục, cam kết thời gian hoàn thành, tránh trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm của cá nhân, đơn vị.
Sau phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh có Thông báo kết luận cụ thể vấn đề giải trình, trong đó nêu rõ ưu điểm, kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị, đề nghị cụ thể từng nội dung cần thực hiện, trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết những hạn chế, xác định rõ thời gian hoàn thành. Công khai kết quả giải trình tới cử tri qua Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình để phát huy vai trò giám sát của người dân, của đại biểu HĐND tỉnh về trách nhiệm thực hiện của cơ quan, đơn vị với những cam kết thực hiện.
Kiên trì đôn đốc, giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giải trình. Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban HĐND tỉnh theo dõi, tổng hợp tiến độ và kết quả giải quyết của các sở, ngành, địa phương đối với các kiến nghị sau giải trình. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Thường trực HĐND cấp huyện thực hiện các phiên giải trình thuộc thẩm quyền. Thực hiện tốt hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh trong thời gian qua đã có hiệu ứng tích cực, tạo sự thay đổi trong tư duy chỉ đạo, điều hành không chỉ đơn vị tham gia giải trình mà còn đối với thủ trưởng của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao từ cử tri, nhân dân trong tỉnh, vun đắp niềm tin của cử tri với những người có thẩm quyền thuộc cơ quan dân cử.
Lê Chung
(Văn phòng Tỉnh ủy)