P.V: Đồng chí cho biết kết quả và những vấn đề đặt ra trong công tác dân số, SKSS trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Đ/c Ngô Ngọc Quang: Thời gian qua, công tác dân số, SKSS luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong tỉnh. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch triển khai Đề án về công tác dân số-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020. Thực hiện Nghị quyết, nhận thức, thái độ, hành vi về dân số, SKSS của cán bộ, nhân dân trong tỉnh có chuyển biến tích cực. Đại đa số nhân dân chấp nhận quy mô gia đình ít con, nhất là thế hệ trẻ, duy trì vững chắc mức sinh thay thế từ 1,91 con đến 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong suốt giai đoạn, dự kiến đến năm 2020 là 2,2 con.
Mục tiêu duy trì mức sinh thay thế được giữ vững; tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh được kiểm soát; chất lượng dân số dần được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được quan tâm hơn. Chương trình tiêm chủng mở rộng đã giúp cải thiện sức khỏe cho trẻ em mỗi năm. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 73%; tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh năm 2017 đạt 37%, vượt kế hoạch Trung ương giao 17%. Một số chỉ tiêu cơ bản phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em đều đạt và vượt kế hoạch được giao, tỷ lệ bà mẹ mang thai được khám thai trong 3 thời kỳ, 100% bà mẹ sinh tại cơ sở y tế, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đều được duy trì và cao hơn so với các năm trước, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (cả thể nhẹ cân và thể thấp còi) đạt và vượt so với chỉ tiêu giao. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực dân số góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo điều kiện thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Hiện nay, công tác dân số đã chuyển trọng tâm từ dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển, do đó công tác dân số của tỉnh đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức phát sinh từ thực tế, quy mô, cơ cấu, phân bố dân số biến đổi nhanh. Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội, tất yếu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, như: Khó khăn trong việc kết hôn và duy trì chế độ "một vợ, một chồng". Gia tăng tội phạm xã hội do nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, mại dâm.... Phụ nữ có thể bị ép buộc sinh thêm con, phá thai nhi gái, bất chấp sức khỏe và tính mạng, bị ngược đãi, phụ tình, ruồng bỏ khi không sinh được con trai. Trong khi đó, kỹ thuật hỗ trợ sinh được con trai ngày càng phát triển và phổ biến, khó được kiểm soát dẫn đến những hệ lụy khôn lường do hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
P.V: Tỉnh Ninh Bình đã có giải pháp gì để nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản?
Đ/c Ngô Ngọc Quang: Chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp cụ thể được tập trung như: Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá và giám sát đối với công tác dân số và phát triển. Hoàn thiện bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đội ngũ làm công tác dân số; tăng cường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa công tác truyền thông; duy trì mức sinh thấp hợp lý và kiểm soát tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh; hoàn thiện và mở rộng các mô hình "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh", "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh", "Khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân", "Kiểm soát dân số vùng biển đảo và ven biển", "Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi", "Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên", "Tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai"... nghiên cứu, xây dựng và thử nghiệm một số mô hình mới.
P.V: Xin đồng chí cho biết chủ đề ngày Dân số thế giới năm nay và những hoạt động hưởng ứng của tỉnh Ninh Bình?
Đ/c Ngô Ngọc Quang: Mỗi năm, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) lựa chọn một chủ đề cấp thiết mang tính toàn cầu với mục đích thu hút sự quan tâm của cộng đồng tới các vấn đề dân số nổi bật của thời đại. Chủ đề ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay là "Thành công của KHHGĐ là tiền đề cho phát triển bền vững". KHHGĐ được xem là quá trình mà các cặp vợ chồng chủ động trong việc kiểm soát khả năng sinh sản cũng như điều chỉnh con số và khoảng cách sinh con. Cốt yếu của KHHGĐ là việc sử dụng các biện pháp tránh thai một cách chủ động, an toàn và hợp lí nhằm hạn chế việc có thai ngoài ý muốn, kiểm soát tình trạng sinh con, số lượng con theo ý muốn của các cặp vợ chồng một cách khoa học nhất.
Hưởng ứng ngày Dân số thế giới năm 2018 với chủ đề "Thành công của KHHGĐ là tiền đề cho phát triển bền vững", Sở Y tế tham mưu cho Ban chỉ đạo công tác dân số-KHHGĐ tỉnh ban hành Kế hoạch số 1738/KH-BCĐ, ngày 25/6/2018 về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Dân số thế giới tới các ban, ngành, đoàn thể, Ban chỉ đạo công tác dân số-KHHGĐ các huyện, thành phố. Chỉ đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ và các đơn vị trong ngành tổ chức hoạt động hưởng ứng ngày Dân số thế giới đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Cùng với đó tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của ngày Dân số thế giới 11/7. Tổ chức tuyên truyền trực quan: Tuyên truyền xe lưu động tại 8/8 huyện, thành phố, trên bảng điện tử, treo băng zôn, khẩu hiệu, áp phích, phát tờ rơi đến tận tay đối tượng. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, các lớp tập huấn, cung cấp kiến thức về DS/SKSS/KHHGĐ và nâng cao chất lượng giống nòi trên phạm vi toàn tỉnh. Phổ biến sâu rộng ý nghĩa chủ đề ngày Dân số thế giới năm 2018 tới đông đảo nhân dân…
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân