P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật về chất lượng dân số của tỉnh trong thực hiện "Chiến lược Dân số Việt Nam" giai đoạn 2011-2020?
Đ/c Ngô Ngọc Quang: Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2010-2020, công tác dân số-KHHGĐ của tỉnh được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh.
Chất lượng dân số của tỉnh được cải thiện, các chỉ số sức khỏe của người dân được nâng lên, cụ thể như tỷ suất tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống luôn ở mức thấp hơn so với toàn quốc và có xu hướng giảm: năm 2011 là 6,1%o, giảm còn 5,1%o năm 2017 và đến năm 2019 là 0/100.000 trẻ đẻ sống (năm 2018 là 2 ca).
Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 3,5‰ năm 2016 xuống còn 3,2‰ năm 2019. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 4,6‰ năm 2016 xuống còn 4,3‰ năm 2019. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (thể nhẹ cân) giảm bình quân 0,5%/năm, từ 14,3% năm 2015 còn 12,7% năm 2019. Tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh tăng từ 33,99% năm 2012 lên 58,77% năm 2019. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh từ 33,14% năm 2012 lên 78,52% năm 2019.
Tuổi thọ bình quân năm 2019 là 73,8 tuổi, cao hơn so với tuổi thọ bình quân của cả nước. Hơn 90% người cao tuổi có thẻ BHYT, hằng năm có gần 60% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ và có sổ quản lý sức khỏe tại các cơ sở y tế.
P.V: Khó khăn trong nâng cao chất lượng dân số của tỉnh hiện nay là tỷ lệ sinh con thứ 3 gia tăng, việc mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao, vậy giải pháp khắc phục của ngành Y tế là như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Ngô Ngọc Quang: Khó khăn trong nâng cao chất lượng dân số của tỉnh hiện nay đó là thực trạng số con trung bình mỗi phụ nữ (tổng tỷ suất sinh) năm 2011 là 1,86 con, năm 2015 là 2,16 con, năm 2019 là 2,46 con và đang có chiều hướng tăng hơn. Ninh Bình là tỉnh thuộc nhóm 33 tỉnh có mức sinh cao trong toàn quốc. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2011 ở mức 110,6 trẻ em trai/100 trẻ em gái, năm 2019 là 112,5 bé trai/100 bé gái.
Trước thực trạng trên, ngành Y tế đã đề ra giải pháp khắc phục khó khăn nhằm nâng cao chất lượng dân số trong giai đoạn tới, như: Củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ theo hướng bảo đảm các cơ sở y tế tuyến huyện cung cấp được tất cả các loại dịch vụ KHHGĐ, các cơ sở y tế tuyến xã cung cấp các dịch vụ KHHGĐ cơ bản.
Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ phi lâm sàng qua trạm y tế, mạng lưới nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số. Đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ theo hướng mở rộng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của từng nhóm đối tượng.
Huy động các thành phần kinh tế tham gia tiếp thị xã hội, xã hội hóa cung cấp phương tiện và dịch vụ tránh thai. Mở rộng khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân thiện với thanh niên. Tăng cường quản lý nhà nước đối với việc cung cấp các dịch vụ phá thai, loại trừ phá thai không an toàn.
Tiếp cận chương trình ngăn ngừa, sàng lọc, can thiệp, điều trị sớm các bệnh tật là nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở nhóm dân số trẻ. Triển khai cung cấp dịch vụ tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, mở rộng triển khai cung cấp dịch vụ phát hiện sớm nguy cơ, phòng ngừa di truyền các bệnh nguy hiểm ở thai nhi và trẻ em.
Cùng với đó, mở rộng mạng lưới, phổ cập chương trình cung cấp dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, can thiệp, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh cho mọi phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Khuyến khích các hoạt động xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng sàng lọc trước sinh, sàng lọc sau sinh. Tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các chương trình thể dục thể thao, rèn luyện, nâng cao sức khỏe, các chương trình dinh dưỡng, sữa học được nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam.
Tăng cường kết nối, hợp tác giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ công lập và ngoài công lập; hoàn thiện quy trình, quy chuẩn chuyên môn kỹ thuật; từng bước quản lý, điều tiết và phát triển thị trường đổi mới phương thức cung cấp, giúp đối tượng dễ dàng tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các dịch vụ dân số.
Phấn đấu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, duy trì cơ cấu dân số ở mức hợp lý, tỉ số giới tính khi sinh về mức dưới 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Đưa mức sinh chung của tỉnh về mức sinh thay thế vào năm 2025 bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 2,1 con; 70% nam, nữ thanh niên được khám sức khỏe trước khi kết hôn; 70% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tuổi thọ bình quân đạt 74,5 tuổi; chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam nữ và chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh Ninh Bình đạt mức trung bình cả nước trong giai đoạn 2020-2025.
P.V: Hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam năm nay, ngành Y tế có những hoạt động gì, thưa đồng chí?
Đ/c Ngô Ngọc Quang: Hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam năm nay Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục Dân số-KHHGĐ và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm chủ đề Ngày Dân số Việt Nam 26/12. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12.
Cung cấp thông điệp truyền thông, tài liệu tuyên truyền, các tin, bài tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ của Trung ương, địa phương cho các đồng chí lãnh đạo, trưởng các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội có liên quan.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng phổ biến thông điệp, hình ảnh, kịp thời đưa tin hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số, kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12 tại các huyện, thành phố trong địa bàn tỉnh.
Tăng cường hiệu quả của trang thông tin điện tử dansoninhbinh.vn, các trang mạng xã hội facebook , zalo... nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về dân số và phát triển trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tiếp tục triển khai các hội nghị cung cấp kiến thức, các lớp tập huấn chuyên môn về dân số và phát triển, nâng cao chất lượng dân số cho các nhóm đối tượng tại địa bàn dân cư.
Tiếp tục triển khai các loại hình cung cấp dịch vụ như chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám tầm soát chẩn đoán sớm 5 bệnh, tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân. Nâng cao hiệu quả, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông.
Đẩy mạnh tuyên truyền qua băng zôn, pano, aphich, tờ rơi với những hình ảnh sinh động, dễ nhớ, từ đó tác động đến người dân về Ngày Dân số Việt Nam.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân (thực hiện)