Đồng chí Trần Bách Hà, Trưởng khoa xét nghiệm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Khoa xét nghiệm hiện có 11 viên chức, lao động, với nhiệm vụ được giao là xây dựng kế hoạch phát triển kỹ thuật xét nghiệm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm; thực hiện các xét nghiệm đáp ứng yêu cầu các hoạt động thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, phát hiện sớm bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, các rối loạn chuyển hóa, bệnh liên quan đến dinh dưỡng; các xét nghiệm về an toàn thực phẩm; xét nghiệm phục vụ giám sát, đo kiểm tra môi trường sức khỏe và các xét nghiệm khác phục vụ công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…
Trong những năm qua, mặc dù còn có nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, nhiệm vụ được giao bao trùm nhiều lĩnh vực, song nhận thức rõ được nhiệm vụ của mình, Khoa xét nghiệm đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Nổi bật trong đó là triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO/IEC 17025:2005 bằng việc xây dựng 1 sổ tay chất lượng, 21 thủ tục quản lý, 12 hướng dẫn thử nghiệm hóa lý, 8 hướng dẫn thử nghiệm vi sinh vật, 17 hướng dẫn kiểm soát và các biểu mẫu theo dõi. Chỉnh sửa bổ sung và đưa vào áp dụng tại Khoa từ tháng 9/2016, đến tháng 7/2017, Khoa xét nghiệm được Văn phòng công nhận chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá. Tháng 9/2017, Văn phòng Công nhận chất lượng quyết định và cấp chứng chỉ công nhận "Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Ninh Bình phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005" với 18 chỉ số xét nghiệm thực phẩm và nước.
Công tác an toàn sinh học được bổ sung hóa chất sinh phẩm, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ tự công bố phòng xét nghiệm vi sinh vật đạt an toàn sinh học cấp II theo đúng quy định của Nghị định 103/2016/NĐ-CP. Năm 2017, Khoa đã lấy mẫu 100% các ca nghi bệnh dịch theo chỉ định của Khoa kiểm soát bệnh lây nhiễm. Đặc biệt trong thời điểm bùng phát dịch sốt xuất huyết, Khoa đã triển khai thực hiện xét nghiệm xác định sốt xuất huyết trên hệ thống ELISA. Công tác khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe nghề nghiệp, đo môi trường lao động được Khoa thực hiện tốt bằng việc phối hợp với Khoa Sức khỏe nghề nghiệp trong các đợt khám sức khỏe định kỳ cũng như khám sức khỏe nghề nghiệp cho các đơn vị trong tỉnh, từ đó, các xét nghiệm sinh hóa máu, sinh hóa nước tiểu, công thức máu đều được thực hiện đạt kết quả cao tại khoa.
Khoa cũng phối hợp chặt chẽ với Khoa sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học định kỳ hàng tháng lấy mẫu nước ăn uống và sinh hoạt tại nhà máy nước và các trạm cấp nước trong toàn tỉnh, thực hiện phân tích 15 chỉ số bảng A của QC 01:2009/BYT. Định kỳ hàng năm, tham gia đoàn giám sát các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện các xét nghiệm phục vụ công tác quản lý chất lượng nước. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được quan tâm bằng việc cử cán bộ tham gia 100% các đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh trên địa bàn trong các dịp lễ, Tết... Tiến hành xét nghiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trong các sự kiện lớn của tỉnh. Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành trong công tác phòng chống hàng giả, kém chất lượng và gian lận chất lượng, tuyên truyền phòng và chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Đối với công tác đảm bảo chất lượng xét nghiệm, Khoa chủ động tham mưu với Ban lãnh đạo Trung tâm trong công tác đảm bảo chất lượng xét nghiệm. Hàng năm, Khoa tham gia các chương trình thử nghiệm liên phòng, thử nghiệm thành thạo nhằm khẳng định chất lượng xét nghiệm và nâng cao tay nghề nhân viên. Năm 2017, Khoa tham gia chương trình thử nghiệm liên phòng huyết học, thực phẩm, nước, kết quả thử nghiệm đạt trên 97%. Trong công tác đào tạo tuyến trước, Khoa thường xuyên phối hợp với các Trung tâm Y tế tuyến trước tổ chức các lớp đào tạo kỹ thuật xét nghiệm nhanh an toàn thực phẩm, kỹ thuật lấy mẫu giám sát chất lượng nước cho cán bộ tuyến huyện, thành phố, xã, phường.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Nam, việc Khoa xét nghiệm được công nhận đạt tiêu chuẩn Hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm ISO/IEC 17025:2005 có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác y tế dự phòng, từ đó nâng cao số lượng và chất lượng các dịch vụ y tế dự phòng để chăm sóc sức khỏe cộng đồng; chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật xét nghiệm; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư theo quy định của chuẩn; các trang thiết bị được quản lý theo dõi sử dụng được ghi chép hồ sơ cập nhật đầy đủ. Cùng với đó, cán bộ của Trung tâm bắt buộc phải được đào tạo để chuẩn hóa, có các chứng chỉ đào tạo sử dụng các thiết bị và an toàn sinh học… Đây là những điều kiện cần thiết để Khoa Xét nghiệm nâng cao chất lượng xét nghiệm, góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và phục vụ hiệu quả công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn.
Hạnh Chi