Thực hiện Pháp lệnh số 09 về "Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở", thị xã Tam Điệp đã tập trung tuyên truyền và triển khai sâu rộng tới chính quyền các xã, phường và toàn thể nhân dân. Đến nay, thị xã đã kiện toàn 119 tổ hòa giải ở cơ sở với 756 thành viên, tăng 24 tổ và 361 người so với năm 2000. Hoạt động của các tổ hòa giải đã góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, giảm thiểu khiếu kiện, nhất là khiếu kiện đông người, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Trong 10 năm (1999 - 2008), các tổ hòa giải trên địa bàn thị xã đã hòa giải thành công 2.794/2.925 vụ, đạt tỷ lệ 95,5%. Những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân chủ yếu liên quan đến đất đai, xích mích giữa hàng xóm láng giềng và trong nội bộ gia đình. Mỗi khi có những vụ việc mâu thuẫn xảy ra, các hòa giải viên đã kịp thời nắm bắt thông tin, tìm hiểu nguyên nhân sự việc để tìm biện pháp hòa giải. Bằng sự nhiệt tình, chân thành, kiên trì và hiểu biết, các hòa giải viên đã hàn gắn những vết rạn nứt trong đời sống nhân dân ngay từ khi mới phát sinh.
Để đạt được kết quả này, Tam Điệp đã quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở. Hàng năm, Phòng Tư pháp Tam Điệp đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên. Bên cạnh đó, các hòa giải viên cũng tự củng cố kiến thức cho mình bằng cách tiếp cận các văn bản pháp luật hoặc trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, giúp nhau làm tốt công tác hòa giải. Đặc biệt, thực hiện Thông tư số 1067 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng tủ sách pháp luật, Tam Điệp đã tập trung trang bị tủ sách pháp luật cho các xã, phường. Hiện nay, 9/9 xã, phường của thị xã đã có 38 tủ với 3.984 đầu sách các loại. Đây là một trong những thuận lợi giúp các hòa giải viên có điều kiện tự học, nâng cao hiểu biết pháp luật để hoàn thành nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở.
Bác Đặng Anh Tuấn, hòa giải viên tổ 12, phường Nam Sơn cho biết: Trước đây việc hòa giải chủ yếu áp dụng theo phong tục, tập quán, phân xử theo uy tín, kinh nghiệm của những người tham gia hòa giải. Việc áp dụng pháp luật trong hòa giải còn hạn chế. Do vậy, nhiều vụ việc mâu thuẫn trong khu dân cư khi làm công tác hòa giải gặp nhiều khó khăn, những vụ phức tạp thường kéo dài. Sau khi có pháp lệnh hòa giải làm cơ sở pháp lý và đặc biệt nhờ có tủ sách pháp luật của phường mà các hòa giải viên đã có điều kiện học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật, áp dụng vào thực tiễn, hòa giải các vụ tranh chấp, mâu thuẫn ở tổ dân phố thấu tình, đạt lý hơn. Những vụ việc quá phức tạp chúng tôi đều có sự phối hợp với bộ phận tư pháp, Công an phường để cùng nhau giải quyết. Vì thế, nhiều năm qua ở tổ dân phố 12 không có những mâu thuẫn lớn kéo dài phải đưa ra Ban hòa giải của phường.
Tuy nhiên, hoạt động hòa giải ở cơ sở còn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần sớm được khắc phục, đó là ở một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác hòa giải, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành để tiến hành hòa giải những tranh chấp, mâu thuẫn mang tính phức tạp. Bên cạnh đó, một số Ban tư pháp xã, phường ngoài nhiệm vụ tư pháp còn phải kiêm nhiệm các công tác khác nên chưa dành nhiều thời gian thực hiện công tác hòa giải. Hàng năm, tổ hòa giải ở cơ sở thường biến động về nhân sự do ở khu dân cư có sự thay đổi, kiện toàn bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố. Mặt khác, kinh phí dành cho hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở còn hạn chế... Khắc phục được những tồn tại trên thì công tác hòa giải ở cơ sở mới thực sự đi vào nền nếp và đạt được hiệu quả cao.
Bài, ảnh: Mai Lan