Theo đó, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai như: Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khỏe, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; phát động các phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; duy trì công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS; đầu tư kiên cố hóa trường học, các khu vui chơi, giải trí; đẩy mạnh cuộc vận động "Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em"…
Riêng trong năm 2008, toàn tỉnh đã tổ chức 16 diễn đàn của trẻ em với 3.200 trẻ em tham gia; 61 cuộc nói chuyện chuyên đề, tư vấn cộng đồng, thu hút gần 11 nghìn lượt người tham gia. Qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cộng đồng. Trong năm, toàn tỉnh có 21.591 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh. 100% trẻ em đi học đúng độ tuổi; 100% trẻ em được khai sinh đúng quy định; 54,5% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Trong năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức tiếp nhận và trao tặng 92 suất học bổng, 136 phần quà của các tổ chức, cá nhân hảo tâm dành tặng cho trẻ em nghèo vùng lũ Nho Quan, Gia Viễn và huyện Kim Sơn với tổng số tiền là 63 triệu đồng. Điều đáng nói là những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả phương thức xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng Quỹ "Bảo trợ trẻ em", tỉnh đã huy động các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và quần chúng nhân dân tích cực tham gia ủng hộ. Nhờ nguồn Quỹ và sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nên nhiều trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh đã được hỗ trợ mổ tim.
Trong 3 năm (2006-2008), toàn tỉnh đã có 27 trẻ em nghèo được hỗ trợ phẫu thuật tim, với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng (trong đó có nhiều ca chi phí lên tới 60-70 triệu đồng). Ngoài ra, từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 310.000 lượt trẻ em được Quỹ "Bảo trợ trẻ em" quan tâm, hỗ trợ, góp phần tạo điều kiện cho các em được chữa bệnh và phát triển toàn diện.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Ninh Bình có gần 300 nghìn trẻ em và người chưa thành niên, trong đó trẻ có hoàn cảnh khó khăn là gần 10.000 em; 4.000 trẻ khuyết tật và có tới gần 1.000 trẻ khuyết tật chưa được tham gia các chương trình phục hồi chức năng (chủ yếu là khuyết tật khiếm khẩu, não úng thủy, rối loạn giới tính...). Một trong những nguyên nhân là do chưa tổ chức được các chương trình phục hồi chức năng phù hợp với các loại khuyết tật trên. Đồng thời do mặc cảm, tự ti của các em cũng như những người thân vẫn còn nặng nề.
Hiện nay, nhiều địa phương chưa có điểm vui chơi, sinh hoạt dành cho trẻ em. Trong khi đó công tác quản lý về lĩnh vực văn hóa và dịch vụ chưa thật chặt chẽ: Phim ảnh, truyện tranh khiêu dâm, đồ chơi kích động bạo lực... còn trôi nổi trên thị trường. Nhiều gia đình mải làm kinh tế mà quên quản lý, giáo dục con cái, việc kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ... dẫn đến nhiều trẻ em sa vào các tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút, đánh nhau...
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, bị xâm hại cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 5 năm (2004-2008), toàn tỉnh đã xảy ra 26 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 27 đối tượng bị hại. Đây đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, cần sớm được quan tâm, ngăn chặn. Thực tế trên cho thấy, để công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đạt hiệu quả, các cấp, các ngành, các địa phương, các gia đình cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, giáo dục trẻ em. Có như vậy, trẻ em mới được phát triển toàn diện trong môi trường sống lành mạnh.
Mai Lan