P.V: Xin đồng chí cho biết tình hình nạn nhân chất độc da cam ở tỉnh ta?
Đồng chí Quách Thanh Miện: Theo số liệu của các cơ quan chức năng và qua điều tra, khảo sát của các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin, tỉnh ta có hàng chục nghìn người bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin. Tính đến tháng 5-2011, toàn tỉnh đã có 4.383 người là nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, trong đó gần 2.500 người là nạn nhân trực tiếp và 1.879 người là nạn nhân gián tiếp (con của nạn nhân). Trong số 3.000 gia đình nạn nhân chất độc da cam, có 150 hộ có 2 nạn nhân, 35 hộ có từ 3 nạn nhân trở lên. Vẫn còn khá nhiều người bị phơi nhiễm bởi chất độc da cam/điôxin nhưng chưa được giám định vì nhiều lý do khác nhau như thất lạc giấy tờ, hồ sơ bệnh tật chưa đầy đủ, một số bị bệnh theo danh mục bệnh tật quy định của Bộ Y tế nhưng thời gian điều trị còn ít nên chưa được xem xét... Với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nạn nhân chất độc da cam và những người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã và đang tích cực đề xuất với các cấp lãnh đạo và các ngành chức năng quan tâm giải quyết chế độ cho những người bị phơi nhiễm. Đồng thời, Hội cũng tích cực tư vấn cho người bị phơi nhiễm làm thủ tục hồ sơ theo quy định của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành Y tế để được giám định hưởng trợ cấp của Nhà nước.
P.V: Đồng chí cho biết khái quát hoạt động và hiệu quả các phong trào thi đua của các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin trong tỉnh?
Đồng chí Quách Thanh Miện: Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh được thành lập từ tháng 7-2006. Đến hết tháng 5-2008, 8/8 huyện, thành phố, thị xã đều thành lập tổ chức Hội và đến hết tháng 11-2009, 141/146 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã thành lập Chi hội Nạn nhân chất độc da cam. Đến nay, toàn Hội đã kết nạp được gần 5.000 hội viên (gồm cả nạn nhân chất độc da cam và người tình nguyện) vào Hội. Vượt qua khó khăn về nhiều mặt, nhất là về kinh phí hoạt động và điều kiện làm việc, các cấp Hội đã nỗ lực hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam. Phong trào thi đua "Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" do Trung ương Hội phát động ngày 12-2-2007 gồm 5 mục tiêu đã được các cấp Hội hưởng ứng, triển khai thực hiện tốt. Thông qua phong trào thi đua của Hội đã xuất hiện nhiều gương điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến. Năm 2008, 2009, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh được UBND tỉnh tặng Bằng khen, năm 2010 được UBND tỉnh tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu khối các tổ chức Hội của tỉnh. Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh được Trung ương Hội đánh giá là một trong số 11 tỉnh, thành hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được T.Ư Hội tặng Bằng khen. Trong dịp kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 13 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Vì nạn nhân chất độc da cam" giai đoạn 2006 - 2011.
P.V: Đồng chí cho biết những kết quả hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ở tỉnh ta thời gian qua?
Đồng chí Quách Thanh Miện: Nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta luôn quan tâm sâu sắc và có những giải pháp tích cực, hiệu quả để giải quyết những khó khăn, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình nạn nhân cả về vật chất và tinh thần. Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam đã tiếp nhận của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, một số tổ chức nhân đạo quốc tế, của T.Ư Hội với tổng số tiền và hiện vật trị giá trên 2,8 tỷ đồng. Nguồn kinh phí trên đã được Hội quản lý chặt chẽ. Trên cơ sở khảo sát nắm vững hoàn cảnh của từng hộ gia đình nạn nhân, các cấp hội đã báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để tổ chức hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho 93 hộ gia đình, trợ cấp vốn sản xuất, đào tạo nghề; tặng xe lăn, chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân trong các dịp lễ, Tết. Để tiếp tục huy động sự đóng góp của toàn xã hội cùng chung tay giúp đỡ nạn nhân da cam, ngày 3-3-2011, thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo vận động các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà hảo tâm ủng hộ để thành lập Quỹ "Nạn nhân chất độc da cam" của tỉnh. Kết quả đến hết tháng 6-2011, quỹ đã thu được số tiền ủng hộ 205 triệu đồng. Cùng với 200 triệu đồng theo Quyết định của tỉnh chuyển từ Quỹ "Vì người nghèo" sang, Quỹ nạn nhân chất độc da cam của tỉnh đã có số tiền 405 triệu đồng. Hiện nay, phong trào ủng hộ nạn nhân chất độc da cam vẫn được các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tích cực hưởng ứng.
P.V: Năm nay cả nước kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Thông điệp mà các cấp Hội và nạn nhân chất độc da cam gửi đến toàn xã hội là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Quách Thanh Miện: Kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam là dịp đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc hơn về tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại bởi cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra đối với môi trường sống và sức khỏe con người; là dịp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam cả về vật chất và tinh thần, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới.
Các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm hơn nữa đến nạn nhân chất độc da cam. Mong rằng trong thời gian tới, nạn nhân chất độc da cam tiếp tục nhận được sự sẻ chia, chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng nhằm góp phần bù đắp những mất mát, thiệt thòi, đem lại cho nạn nhân niềm vui, niềm hy vọng để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí !
Thu Thủy (Thực hiện)