Những bước chân lầm lỡ
40 tuổi, anh Phạm Thành N (thành phố Tam Điệp) có đầy đủ mọi thứ: vợ đẹp, con ngoan và kinh tế khá. Không ai ngờ, người đàn ông ấy lại vướng vào ma túy khi đã ở vào cái tuổi chín chắn của đời người. "Công việc của tôi phải giao lưu với khá nhiều bạn bè, rồi dính vào ma túy đá lúc nào không biết. Số tiền "đổ" vào thuốc từ 500 đến 1 triệu đồng/ mỗi lần sử dụng" - anh N kể về bước ngoặt của cuộc đời mình.
Từ đó, công việc làm ăn của anh N bị gián đoạn bởi những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Kinh tế khó khăn, những mâu thuẫn trong gia đình cũng trở nên căng thẳng. Trong một lần xét nghiệm dương tính với ma túy, anh N được lực lượng chức năng làm hồ sơ đưa đi cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện tỉnh Ninh Bình. Sau 6 tháng, anh N đã được cắt cơn, giải độc và lao động phục hồi, sức khỏe ổn định.
Ông Ngô Quốc Toản, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện tỉnh cho biết: Hiện nay, Cơ sở đang tiếp nhận và tổ chức cắt cơn giải độc cho 358 học viên. Trong đó, có tới 70% là nghiện ma túy tổng hợp. Tuổi đời của các học viên ngày càng trẻ hóa, chủ yếu là dưới 25 tuổi. Sau tiếp nhận, 100% đối tượng được phục hồi sức khỏe và tăng cân.
Hàng ngày, Cơ sở tổ chức thăm khám thường xuyên, từ đó đã phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh nội khoa thông thường cho học viên. Các học viên được duy trì nền nếp các hoạt động thường xuyên như: thể dục buổi sáng, chào cờ, thăm gặp thường kỳ, xem ti vi, đọc báo để nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy… từ đó học viên yên tâm, tích cực điều trị.
Trong 5 năm qua, Cơ sở đã tư vấn, tổ chức cho 873 lượt học viên tái hòa nhập cộng đồng. Trước khi tái hòa nhập cộng đồng, học viên được tư vấn các kiến thức, kỹ năng phòng chống tái nghiện
Trăn trở việc làm cho người sau cai
Chị Bùi Thị Ngọc, Phòng y tế, Cơ sở cai nghiện tỉnh cho biết: Khi vào cơ sở, các học viên đều thể hiện quyết tâm làm lại cuộc đời. Có những học viên khóc nức nở khi được người thân đến thăm, thề sẽ đoạn tuyệt với ma túy và bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi tin rằng lúc ấy họ đã nói rất thật. Nhưng rồi họ lại trở về đây, không chỉ một lần.
Anh Báu, quê ở huyện Kim Sơn nghiện ma túy đã 12 năm. Báu không nhớ nổi số lần anh vào- ra, rồi lại vào cơ sở cai nghiện này nữa. Báu bảo rằng mỗi lần cắt cơn, cai nghiện thành công là anh tăng thêm niềm tin vào cuộc sống, quyết tâm sẽ đoạn tuyệt ma túy, trở thành người con, người chồng, người cha như bao người bình thường khác.
Nhưng rồi, lần nào anh cũng thất bại. Nguyên nhân lớn nhất đó là không có việc làm. "Trước đây, vì đi làm ăn xa nên tôi vướng vào ma túy. Bao lần cai rồi lại tái nghiện cũng bởi vì tôi không tìm được việc làm. Không có việc làm, tôi lại phải đi làm ăn xa, lại sa ngã. Lần cai này tôi được dạy nghề may mặc. Khi trở về hòa nhập cộng đồng, tôi hy vọng sẽ xin được việc làm ổn định"- anh Báu chia sẻ.
Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến người sau cai nghiện khó tìm được việc làm. Trở ngại đầu tiên là do trình độ văn hóa còn hạn chế khiến người cai nghiện khó tiếp thu được nghề. Hiện, Cơ sở cai nghiện tỉnh đang quản lý 358 học viên. Trong đó, gần 70% chỉ có trình độ văn hóa từ THCS trở xuống. Số không nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định chiếm trên 90%.
Thời gian qua, bên cạnh nỗ lực trong việc cai nghiện, phục hồi sức khỏe, Cơ sở cai nghiện còn đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề, tạo việc làm cho các học viên. Trong nhiệm kỳ qua, Cơ sở đã tổ chức đào tạo 6 khóa học đan bèo bồng dưới 3 tháng cho 325 lượt học viên; liên kết với Trường Cao đẳng xây dựng cơ điện Việt Xô đào tạo 3 khóa thực hành nghề và kỹ thuật xây dựng dân dụng cho 120 học viên.
Bên cạnh đó, Cơ sở liên kết với doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu may công nghiệp cho trên 150 học viên vừa học, vừa thực hành may túi siêu thị…
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những việc làm mang ý nghĩa trị liệu cho người cai nghiện, chứ không thể giúp học viên tìm được việc làm với thu nhập ổn định khi tái hòa nhập cộng đồng. Còn đối với những nghề liên quan đến kỹ thuật, họ chỉ nắm được kiến thức cơ bản, không thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nên rất khó tìm được việc làm.
Bởi thế, ngoại trừ số ít gia đình có điều kiện giúp con mình mở các cửa hàng, dịch vụ như: sửa xe, chụp ảnh…, còn hầu hết các đối tượng sau cai phải tự tạo việc làm cho mình, và chủ yếu là làm việc trong các môi trường xã hội phức tạp nên rất dễ tiếp tục tái nghiện.
Ông Ngô Quốc Toản, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện tỉnh cho biết: Mặc dù chưa có khảo sát cụ thể, nhưng thực tiễn cho thấy, những đối tượng trở lại Cơ sở cai nghiện từ lần thứ 2 trở lên là rất nhiều. Điều này cho thấy tỷ lệ tái nghiện còn ở mức cao. Nguyên nhân thì có nhiều, song chủ yếu nhất vẫn là do người sau cai nghiện khó tìm được việc làm để hòa nhập với cộng đồng.
Vì vậy, để giúp người cai nghiện thực sự làm lại được cuộc đời, thiết nghĩ sau khi trở về cộng đồng, các địa phương cần tổ chức cho người sau cai đăng ký tìm việc làm với các đoàn thể trên địa bàn hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh. Đồng thời, phân công tổ chức, đoàn thể quản lý đối tượng sau cai liên hệ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tìm việc làm cho các đối tượng đã hoàn thành tốt các chương trình quản lý sau cai…
Đào Hằng