Đầu tháng 5 vừa qua, tình trạng nắng nóng diễn ra ở hầu hết các tỉnh miền Bắc và Trung Bộ. Đỉnh điểm ngày 2/5, nhiều nơi ở miền núi phía Bắc nóng 39 độ C như Phù Yên (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình). Ở miền Trung, nhiệt độ cao nhất ở miền núi Tương Dương (Nghệ An) lên đến 40 độ.
Cùng với nắng nóng, vùng núi phía Bắc sẽ xuất hiện lũ quét, sạt lở đất, nhất là các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn. Ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, hạn hán diễn ra ở mức khốc liệt hơn.
Năm nay có khoảng 9 cơn bão vào biển Đông (trung bình hàng năm là 12). Trong đó, khoảng 3-4 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. "Bão và áp thấp sẽ ít hơn những năm trước nhưng cũng cần đề phòng những cơn bão mạnh, bất thường", ông Cường nhận định.
Trong những ngày tới, khả năng sẽ có hai cơn bão nối tiếp nhau tiến gần khu vực biển Đông. Cơn bão đầu tiên có cường độ mạnh, dự kiến đạt cấp siêu bão (trên cấp 16) trong hai ngày 9-10/5 và tiếp tục mạnh hơn nữa.
"Khả năng cơn bão này ảnh hưởng tới khu vực biển Đông không cao. Điều đáng lo ngại là sau khi cơn bão này di chuyển lên phía Bắc Philippines thì ngay sau đó sẽ xuất hiện một cơn bão mạnh. Đến ngày 14/5, bão có khả năng tiệm cận biển Đông. Chúng tôi sẽ nắm tình hình diễn biến và thông tin sớm trong các bản tin thời tiết", ông Cường cho hay.
Từ đầu năm, cơ quan khí tượng thủy văn ghi nhận tình hình thời tiết bất thường xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước. Đầu tháng 1, vùng núi phía Bắc xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài, tuyết rơi ở Sa Pa (Lào Cai). Vào tháng 3, mưa lớn trên diện rộng 300-500 mm từ Huế đến Quãng Ngãi khiến nhiều nơi ngập lụt, mực nước ở các sông lên mức báo động 1, thậm chí báo động 3. Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đang trải qua tình trạng khô hạn kéo dài.
Theo VNE