Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo: Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2015, nhiệm kỳ 2011-2015; định hướng nhiệm kỳ 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2016.
Báo cáo "Tình hình triển khai thi hành Luật Hộ tịch "Tình hình chuẩn bị triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015" và "Một số nội dung chính sách lớn và Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật hình sự (sửa đổi); Giải đáp những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực công tác tư pháp...
Năm 2015, công tác tư pháp đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội, Chính phủ đề ra, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao và thu được kết quả trên nhiều lĩnh vực.
Trong thời gian qua, ngành Tư pháp đã tiến hành triển khai đồng bộ nhiều mặt công tác, bám sát 09 định hướng công tác tư pháp đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Qua đó, đã có những đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường vị thế đối ngoại của đất nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam , xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, người dân.
Riêng Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 bộ luật lớn, quan trọng; hoàn thành 09/09 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đạt tỷ lệ 100%.
Năm 2016, Bộ Tư pháp xác định 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là chủ trương, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nội dung, tinh thần của Nghị quyết; Thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2016; đổi mới phương thức và tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật hộ tịch, Luật căn cước công dân; Nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, hành chính; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt Bộ luật dân sự 2015;…
Đối với tỉnh Ninh Bình, năm 2015, ngành Tư pháp đã bám sát Chương trình công tác của Bộ Tư pháp, của UBND tỉnh và nhiệm vụ chính trị của tỉnh, triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực công tác nên trong năm 2015 và giai đoan 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và trực tiếp tham gia giải quyết nhiều việc khó, phức tạp; các phòng, trung tâm thuộc Sở, Đoàn Luật sư, các tổ chức Giám định tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của Ngành, thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ công tác tư pháp hàng năm. Cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành đã nêu cao tinh thần đoàn kết, xây dựng tập thể, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận và biểu dương đóng góp to lớn của cả hệ thống nghành Tư pháp trong năm qua. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ: Năm 2016, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2016-2020, đồng thời, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng quốc lần thứ XII, vai trò và nhiệm vụ ngành Tư pháp trong năm 2016 là rất quan trọng.
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị: Ngành Tư pháp cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp.
Ngành tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản cho phù hợp với Hiến pháp; tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát thủ tục hành chính, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động tư pháp, điều hành cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Trần Dũng-Anh Tuấn