Nhiều cơ hội Theo lãnh đạo Phòng Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, bước vào năm 2015 có rất nhiều cơ hội để người lao động trong tỉnh tham gia vào thị trường lao động ở nước ngoài. Bởi lẽ, trong năm nay, cả nước đặt ra chỉ tiêu là đưa 90.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tăng 5.000 người so với năm ngoái. Sở dĩ mục tiêu tăng là do cánh cửa XKLĐ vào một số thị trường truyền thống như Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia… được mở rộng. Đặc biệt, đối với thị trường Hàn Quốc, Chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ đặc biệt về việc phải cử và tiếp nhận lại lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Về số lao động này, tỉnh ta có 277 người đã vượt qua các kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Từ đầu năm tới nay, tỉnh ta đã có 27/277 lao động đủ điều kiện đã được xuất cảnh sang Hàn Quốc. Ngoài Hàn Quốc, các chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc cũng đang được triển khai tích cực. Đài Loan cũng là một trong những thị trường trọng điểm trong năm nay.
ở Ninh Bình, người lao động có thể đi XKLĐ thông qua hai hình thức, đó là chương trình XKLĐ sang Hàn Quốc, Nhật Bản qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và chương trình XKLĐ qua các doanh nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy phép. Tỉnh ta đã tạo điều kiện tốt nhất để những doanh nghiệp đủ điều kiện về tuyển lao động xuất khẩu tại Ninh Bình có cơ hội tiếp cận với người lao động thông qua các hội nghị XKLĐ. Tại hội nghị, các đơn vị này sẽ tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực XKLĐ, thông báo công khai nhu cầu tuyển, điều kiện tuyển, chi phí… giúp người lao động tìm hiểu, lựa chọn được thị trường phù hợp với nhu cầu, trình độ và năng lực tài chính của bản thân. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 11 doanh nghiệp đăng ký tổ chức tuyển lao động trên địa bàn đi XKLĐ. Thị trường mà các đơn vị này hướng đến nhiều nhất ngoài các nước và vùng lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, còn các thị trường mới hơn như: Quata, Cộng hòa Síp, Macao, ảrập xê út…
Để trao cơ hội thoát nghèo cho nhiều lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi các địa phương trong tỉnh tiến hành khảo sát, tập hợp nhu cầu đi XKLĐ của người lao động để Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp gửi đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ giới thiệu những đơn vị làm công tác XKLĐ có uy tín về để tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh XKLĐ như: đẩy mạnh việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Từ tỉnh đến cơ sở đều thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ. Các Ban chỉ đạo này đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các ban, ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân về công tác XKLĐ. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội còn tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách được vay vốn có mức lãi suất ưu đãi với mức vay tối đa là 30 triệu đồng/người. Đặc biệt, tỉnh ta đã triển khai tích cực Dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, những đối tượng trong độ tuổi lao động, là thân nhân gia đình chính sách, hộ nghèo hoặc cận nghèo sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn, chi phí học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ăn hàng ngày cho người lao động trong thời gian học, tiền đi lại…
Người lao động không mặn mà
Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 8-2015, toàn tỉnh mới chỉ có 242 người đi xuất khẩu lao động, trong khi vào thời điểm này năm ngoái, số lao động xuất khẩu đã đạt trên 900 người. Như vậy, việc thực hiện mục tiêu đưa 1.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm 2015 sẽ rất khó khăn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nguyên nhân là do một số trường hợp lao động phải về nước trước thời hạn do bất ổn chính trị ở nước sở tại, kéo theo hệ lụy là các gia đình này gặp nhiều khó khăn trong việc trả lãi ngân hàng đã tạo tâm lý xấu cho những người đang có nhu cầu đi XKLĐ. Cùng với đó, mặc dù số lượng các doanh nghiệp tham gia tuyển chọn lao động xuất khẩu ngày càng tăng (mỗi năm bình quân có hàng chục doanh nghiệp đến xin tuyển lao động trên địa bàn tỉnh), song cũng xuất hiện không ít những tập thể, cá nhân lợi dụng chủ trương XKLĐ của Nhà nước để lừa đảo người lao động, làm ảnh hưởng đến tâm lý của những người có nhu cầu đi XKLĐ.
Bên cạnh đó, thiếu vốn cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của nhiều lao động không thể thực hiện. Trên thực tế, hiện nay, có nhiều "kênh" để lao động có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay XKLĐ. Ngoài chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều ngân hàng cũng đã triển khai chương trình cho vay này. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nguồn vốn để cho vay hiện còn hạn chế, mức cho vay thấp, thủ tục phức tạp. Với mức cho vay từ 20-30 triệu đồng/lao động, thì chỉ đủ để người lao động tham gia vào một số thị trường truyền thống như: Malaysia, Trung Đông … Trong khi đó, mức thu nhập của người lao động ở những thị trường này có dấu hiệu đi xuống, chỉ từ 3-5 triệu đồng/lao động/tháng. Nhiều người cho rằng, mức thu nhập đó hoàn toàn có thể kiếm được ở quê nhà.
Để tham gia vào thị trường lao động có mức lương cao hơn như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ôxtrâylia…, người lao động phải bỏ ra khoản chi phí khá cao, từ 80-90 triệu đồng, thậm chí 200 triệu đồng tùy theo đơn hàng. Chưa hết, các thị trường lao động này đòi hỏi chất lượng lao động, ý thức, tác phong làm việc… cao hơn hẳn, điều này thì không phải lao động nào cũng có thể đáp ứng. Tuy nhiên, ngay cả khi người lao động "đạt chuẩn" về mặt tay nghề, khó khăn mà họ gặp phải lại là thử thách vượt qua vòng thi tiếng. Đơn cử như đợt thi tuyển lao động đi Hàn Quốc vừa qua, hầu hết thí sinh trúng tuyển đều là học sinh của Trường Cao đẳng xây dựng, cơ điện Việt Xô, nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo tiếng Hàn Quốc.
Công tác XKLĐ có vị trí, ý nghĩa tích cực trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, thời gian tới để "vực" dậy công tác XKLĐ còn nhiều việc phải làm. Trong đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác XKLĐ là vô cùng quan trọng. Công tác tuyên truyền thông tin về thị trường lao động nước ngoài, ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động… cần tiếp tục được đẩy mạnh tới mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cũng cần được quan tâm hơn nữa để người lao động ở tỉnh ta có nhiều cơ hội đi lao động ở những thị trường có thu nhập cao, ổn định và khi trở về người lao động cũng không lo thất nghiệp.
Đào Hằng