Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương phải công khai kết quả kiểm toán và giá thành điện của EVN, nếu chưa làm thì điều chỉnh giá điện sẽ không hợp lý. Việc công bố giá thành này chậm do các báo cáo kiểm toán cũng mới hoàn thành. Tổ công tác liên bộ Công thương - Tài chính đã kiểm tra thực tế giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2010 của EVN. Kết quả, năm 2010, EVN lỗ 10.162 tỷ đồng, song, khoản lỗ này còn chưa tính đến lỗ/lãi tại các công ty cổ phần điện do EVN góp vốn, đặc biệt là chưa tính đến các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành. Chi phí còn treo lại chưa được tính hết vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của EVN trong năm 2010 bao gồm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 15.463 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn còn lại 356 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tổ công tác có kiểm tra hợp đồng mua bán điện giữa EVN với các nhà đầu tư không, khi các nhà đầu tư tư nhân hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, càng sản xuất càng lỗ? Phải chăng lợi ích nhóm đang được đặt cao hơn lợi ích ngành? Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng giải thích: Do giá bán điện quá thấp, không chỉ các nhà đầu tư điện tư nhân bị lỗ, ngay cả các tập đoàn nhà nước khác đầu tư vào điện đều đang bị lỗ, cho nên không có chuyện lợi ích nhóm đối với vấn đề kinh doanh điện.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù giá bán lẻ điện được điều chỉnh nhiều lần, nhưng giá mua điện của EVN với các nhà đầu tư (đặc biệt nhà đầu tư tư nhân) quá thấp và không được điều chỉnh tương ứng. Mặt khác, EVN chậm trễ trả nợ khiến nhiều tập đoàn nhà nước đầu tư vào điện lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Hiện tại, kinh doanh điện đang bị lỗ, phát bao nhiêu lỗ bấy nhiêu. Chính phủ đã có Quyết định 24/2011/QÐ-TTg điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, cho phép điều chỉnh giá điện theo biến động các thông số đầu vào cơ bản, giá bán lẻ điều chỉnh thì giá mua điện cũng được điều chỉnh tương ứng. Về lâu dài, khi thực hiện quyết định này, các nhà đầu tư sẽ có lãi. Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho rằng, khi EVN đang lỗ, không có khả năng trả nợ cho Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản. Vì thế, giải pháp duy nhất là "phải trả lại giá điện theo đúng giá trị thật và giá thị trường".
Tổng Giám đốc EVN cũng cảnh báo, do bị lỗ, EVN đang gặp áp lực là không huy động được vốn để phát triển nguồn điện mới, đặc biệt ở khu vực phía nam. Nếu không sớm giải quyết tồn tại này, đến năm 2013, điện cho khu vực phía nam sẽ rất khó khăn. Mặt khác, khâu truyền tải điện hiện đang rất yếu, theo thống kê, Tổng sơ đồ VI đầu tư cho truyền tải mới chỉ đạt 50%, cả nước đang đứng trước nguy cơ có nhà máy nhưng không có điện. Nếu không có động thái tích cực, đến năm 2012, cả nước có thể đủ điện, nhưng riêng Hà Nội bị cắt điện. Lý do, Trạm Vân Trì đã xong nhưng đường dây Vân Trì - Sóc Sơn chưa hoàn thành. Nếu Trạm Thành Công 220 kV, Trạm Vân Trì 220 kV không đóng điện trước ngày 31-12 tới đây thì Hà Nội sẽ bị thiếu điện nghiêm trọng.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, dự báo, năm nay, số lỗ của EVN cũng không ít hơn số lỗ năm 2010. Ðể EVN không bị vỡ nợ, có vốn để đầu tư tiếp thì khoản lỗ phải được điều chỉnh, phải có giải pháp điều chỉnh để EVN tồn tại. Ngay từ ban đầu, Bộ Công thương khẳng định chưa có thông tin về tăng giá điện, nhưng việc nhấn mạnh các khoản lỗ của EVN, thì giải pháp cho EVN tồn tại, dù không được nêu trực tiếp, nhưng chính là điều chỉnh giá điện.
Theo Nhân dân