Song hiện nay các họa sĩ phần lớn là công chức Nhà nước, sống và sáng tác dựa vào đồng lương nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, đa phần chưa sống được bằng chính bộ môn nghệ thuật mà mình đã chọn?
Năm 1992, khi Ninh Bình tách tỉnh bộ môn mỹ thuật chỉ có 5 người. Qua 15 năm phát triển, bộ môn Mỹ thuật Ninh Bình đã quy tụ được 21 hội viên, trong đó phần lớn là lực lượng trẻ, có đào tạo bài bản, có nhiệt huyết. Ngày đó, mỹ thuật Ninh Bình không có tiếng nói trong làng mỹ thuật Việt Nam, mỗi lần triển lãm chỉ có tác phẩm cá nhân nhưng với số lượng rất ít.
Đến nay, Ninh Bình đã đóng góp với số lượng rất lớn trong các cuộc triển lãm tranh khu vực và toàn quốc, điển hình như trong cuộc triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ X, Ninh Bình đã đứng đầu trong khu vực về số lượng tranh và số tác giả tham gia triển lãm. Điều này khẳng định đây là một sự cố gắng rất lớn của anh em họa sĩ tỉnh Ninh Bình.
Nhìn lại triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng lần thứ X, lần đầu tiên được tổ chức tại Ninh Bình, các họa sĩ Ninh Bình đã tham gia với số lượng 93 tranh nhiều nhất trong triển lãm lần này và nhiều nhất từ trước đến nay. Không những thế triển lãm đã khơi dậy được sức trẻ, 2/3 tranh được treo ở triển lãm là của họa sĩ trẻ dưới 30 tuổi.
Tác phẩm "Phong cảnh"- Tranh bột màu của Kù Kao Khải.
Đoàn Ninh Bình đã dành 7 giải mỹ thuật chuyên ngành, 11 giải không chính thức của các họa sĩ trẻ. Điều này có thể nói, họa sĩ Ninh Bình có thực lực, tự tin để sánh vai cùng bạn bè trong khu vực và trong nước cả về lực lượng và nghề nghiệp. Nhất là giới họa sĩ trẻ hiện nay họ được đào tạo bài bản, có điều kiện kinh tế, nhanh chóng nắm bắt được thông tin cộng thêm với sức trẻ sẽ là niềm hy vọng lớn của mỹ thuật Ninh Bình.
Đúng như Nhà phê bình mỹ thuật, Lê Quốc Bảo đã nhận xét trong lần triển lãm: "Ninh Bình có rất nhiều tiềm năng mà chưa quy tụ và "thổi" nó lên được. Đội ngũ họa sĩ trẻ được đào tạo bài bản, chính quy, nhiều người mới ra trường đã hình thành được những phong cách, ý tưởng táo bạo… Song cần có một "đòn bẩy" để họ vượt lên chính mình".
Trong khi ở các thành phố lớn, các họa sĩ sống khá "khỏe" nhờ vào nghề, thì ở Ninh Bình đa phần hội viên chi hội Mỹ thuật Ninh Bình (kể cả những người đã được kết nạp vào chi hội mỹ thuật Việt Nam) cũng đang sống dựa vào đồng lương công chức Nhà nước. Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao họa sĩ Ninh Bình chưa sống được bằng tranh trong khi tay nghề và lòng say mê của họ không phải là thua kém so với họa sĩ ở nơi khác?
Họa sĩ Đinh Đức Hưng, chủ nhiệm bộ môn mỹ thuật Ninh Bình trả lời ngắn gọn: Vì ở tỉnh mình có vẽ tranh cũng chẳng biết bán cho ai".
Cộng thêm sự tác động khách quan về kinh tế, Ninh Bình vẫn là một trong những tỉnh nghèo, dân trí chưa cao, sự quan tâm của toàn xã hội đến mỹ thuật vẫn còn nhiều hạn chế cho nên nghệ thuật vẫn chưa tìm được chỗ đứng xứng tầm. Hơn nữa mỹ thuật rất khắt khe về cách nhìn. Còn khá nhiều người dân chưa cảm thụ, chưa hiểu hết được những thông điệp nghệ thuật.
Ngay cả đến những họa sĩ là hội viên hội mỹ thuật Việt Nam, đã khẳng định được mình qua các lần triển lãm mỹ thuật toàn quốc cho đến nay số tranh mà họ bán được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những họa sĩ thành danh ở tỉnh như: Đinh Đức Hưng, Phan Dư, Trần Mạnh Hưng, Đào Công Huân…tuy đã bán được một số bức tranh cho khách trong và ngoài nước, nhưng giá của nó chỉ đủ để cho họa sĩ mua mầu và khung. Họa sĩ Đinh Đức Hưng tâm sự "khi gặp khách là bán chứ kể gì đến giá cả. Hoàn cảnh của người nghèo "bóc ngắn, cắn dài". Nếu xét về giá trị nghệ thuật và công sức lao động thì không thể có giá như vậy được".
Khó khăn đó đối với họa sĩ trẻ còn tăng gấp nhiều lần. Hiện nay tranh sơn dầu và sơn mài là đắt nhất. Giá của mỗi túyp mầu Trung Quốc cũng từ 20-30 ngàn đồng, còn của Anh, Pháp thì 50.000 đồng trở lên.
Một họa sĩ trẻ cho biết: Anh em họa sĩ trẻ chúng tôi chỉ trông vào đồng lương Nhà nước, nên việc đầu tư cho sáng tác còn rất hạn chế. Một bức tranh sơn dầu, sơn mài khổ trung bình hiện nay nếu vẽ cũng hết tiền triệu, nhưng vẽ song cũng chỉ để mình ngắm… Song chúng tôi vẫn tự nhắc nhau kiên trì sáng tác. Mình chưa bán được tranh thì vẽ ra cho thỏa mãn niềm đam mê, đem triển lãm cho đồng nghiệp và ai yêu tranh thì đến thưởng thức! Cứ miệt mài lao động lo gì không được trả công xứng đáng".
Còn họa sĩ Đinh Đức Hưng thì vẫn tin tưởng và lạc quan về một tương lai tươi sáng cho bọ môn mỹ thuật: "Thầy còn vậy, nên trò cứ yên tâm. Khi kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển mạnh thì "nước nổi, lo gì bèo không nổi". Những tác phẩm có giá trị sẽ không bị nằm trong kho cho bụi thời gian phủ lấp".
Nguyễn Thơm