Theo hãng Reuters, ngày 15-9 trung tâm tài chính Phố Wall đã bàng hoàng trước tin, Tập đoàn tài chính Lehman Brothers đã chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Ðây là công ty đầu tư lớn nhất ở Mỹ, có thời gian hoạt động 158 năm nay, đã chính thức xin phá sản, kể từ năm 1990.
Cùng ngày, Bank of America đã đồng ý mua lại ngân hàng Merrill Lynch.
Mặc dù tối 14-9, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố một số biện pháp mới đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, trong đó có việc nới lỏng quy định về thế chấp đối với các khoản vay khẩn cấp dành cho các hãng tài chính. Chủ tịch FED, Ben Bernanke cho biết, quyết định nêu trên của FED được đưa ra sau các cuộc thảo luận với lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán và bảo hiểm, và các công ty tài chính hàng đầu ở Mỹ. Các biện pháp cụ thể sẽ được công bố vào ngày 15-9 (giờ địa phương).
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cho rằng, giải pháp này sẽ đẩy mạnh khả năng thanh toán bằng tiền mặt, hỗ trợ thị trường vận hành nhịp nhàng và giảm bớt những quan ngại trên thị trường tín dụng.'' Cùng ngày, các ngân hàng lớn như Bank of America, Barclays, Citibank, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Merrill Lynch, Morgan Stanley, UBS tuyên bố thành lập quỹ hỗ trợ 70 tỷ USD nhằm nới lỏng tín dụng trước nguy cơ phá sản của nhiều tập đoàn tài chính Mỹ, có thể tác động tiêu cực tới hệ thống tài chính toàn cầu.
Phát biểu ý kiến trên đài ABC ngày 14-9, cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan đánh giá, nền kinh tế số một thế giới đang sa lầy vào một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất mà ông được chứng kiến. Ông dự báo tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài cho tới khi giá nhà đất tại Mỹ được bình ổn, bất chấp những nỗ lực của chính quyền như tiếp quản quyền điều hành trực tiếp đối với hai tập đoàn tín dụng thế chấp được chính phủ bảo lãnh là Fannie Mae và Freddie Mac. Ðề cập khả năng liệu nền kinh tế Mỹ có thoát khỏi nguy cơ suy thoái hay không, ông Greenspan cho rằng, cơ hội thành công của chính quyền là dưới 50%.
Theo Nhandan