Một ví dụ điển hình được ông Dempsey đưa ra đó là, sự bành trướng của phong trào al-Qaida (có gốc rễ từ Yemen) trên bán đảo Ả rập (AQAP) - đã có âm mưu tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và châu Âu. Chính vì thế, Mỹ đã buộc phải thực hiện một chiến dịch chống khủng bố nhằm vào sào huyệt của lực lượng này tại Yemen.
Tuy nhiên, cho tới nay, Mỹ vẫn chưa thu thập được thông tin nào cho thấy ISIS đang có âm mưu tấn công vào nước Mỹ và tình huống bây giờ vẫn chưa giống với kịch bản dẫn tới sự can thiệp của quân đội Mỹ vào Yemen hồi tháng 4/2014. Vào thời điểm hiện tại, ông Dempsey cho rằng, các mối đe dọa từ ISIS vẫn chỉ bó hẹp trong phạm vi khu vực và lực lượng này chưa hề có ý định cũng như lên kế hoạch tấn công vào các mục tiêu như ông đang lo ngại.
Phát biểu trước báo giới, ngày 24/8, ông Dempsey đã bày tỏ sự lo ngại về sự tàn bạo của ISIS. Chính vì thế, quan chức này tin tưởng rằng, những nước đối tác khác của Mỹ gồm Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ả rập Xê út - sẵn sàng hợp lực với Mỹ trong nỗ lực truy quét ISIS.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên giới chức Mỹ đề cập tới khả năng thực hiện các cuộc không kích nhằm vào sào huyệt của ISIS tại Syria. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 21/8, ông Dempsey và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, hiện chính quyền Washington đang cân nhắc tới "mọi phương án" nhằm xóa bỏ các mối đe dọa từ ISIS.
Phát biểu trên đài NBC News, ngày 21/8, ông Hagel khẳng định ISIS đang tạo ra một "mối đe dọa hiện hữu" đối với nước Mỹ. Ông Hagel cho rằng, mối đe dọa này còn nghiêm trọng hơn cả vụ khủng bố 11/9 và ISIS thậm chí còn vượt xa hơn cả một lực lượng khủng bố do được hậu thuẫn kỹ càng về tài chính, có chiến lược tinh vi và kỹ năng quân sự thành thạo.
Ông Dempsey cũng cho rằng, ISIS là hiện thân cho một thảm kịch tận thế và cần phải bị đánh bại. Tuy nhiên, ông Dempsey cũng tỏ rõ sự hoài nghi về mức độ thành công của mục tiêu này nếu như các cuộc tấn công nhằm vào "cái nôi" của ISIS tại Syria không được khởi xướng.
Hiện tại, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama mới chỉ đang giới hạn các mục tiêu tấn công nhằm vào lực lượng ISIS trong lãnh thổ Iraq. Tuy nhiên, những mối lo ngại về sự bành trướng của ISIS đang ngày một leo thang sau khi lực lượng này đã giành quyền kiểm soát tại một vùng đất rộng lớn, trải dài qua biên giới Syria, lan sang phía Bắc và phía Tây Iraq.
Tháng 6/2014, ISIS đã chiếm được Mosul - thành phố lớn thứ 2 tại miền Bắc Iraq và tuyên bố thành lập một nhà nước Hồi giáo tại phần lãnh thổ đang nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng này chạy qua cả Syria và Iraq.
Các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào ISIS trên lãnh thổ Iraq nhằm bảo vệ các cơ sở, các nhân viên Mỹ tại quốc gia Trung Đông này, cũng như giúp đỡ các lực lượng người Kurd và quân đội Iraq hỗ trợ người tị nạn Iraq vốn đang phải rời bỏ nhà cửa do những mối đe dọa từ ISIS.
Kể từ khi phát động chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của ISIS tại Iraq từ ngày 8/8 cho tới nay, Mỹ đã thực hiện tổng cộng 96 cuộc không kích trên toàn lãnh thổ Iraq với 62 cuộc trong số đó diễn ra tại các khu vực xung quanh đập Mosul. Các cuộc không kích của Mỹ đóng vai trò quan trọng nhằm hỗ trợ lực lượng người Kurd và quân đội Iraq đẩy lùi ưu thế quân sự của ISIS trong các cuộc giao tranh trên bộ.
Theo Dangcongsan.vn