Hồi cuối năm 2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút khỏi hiệp định TPP, tuy nhiên 11 nước thành viên còn lại vẫn tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện các nội dung của hiệp định và mới đây đã tiến hành ký kết hiệp ước này tại thủ đô của Chilê.
Hiệp định này nhằm thúc đẩy thương mại và cắt giảm thuế quan và được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, hay còn gọi là CPTPP.
Ông Mnuchin cho biết chính quyền của ông Trump giờ đây đang tập trung vào các cuộc đàm phán nối lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và sẽ hơi sớm để xem lại các chi tiết cần thiết để thảo luận việc Mỹ sẽ tái tham gia hiệp định CPTPP.
Phát biểu với báo giới tại Chilê sau cuộc họp kéo dài hai ngày của các quan chức trong khối G20, ông Mnunich cho biết "Ngay khi chúng tôi hoàn thành các mục tiêu trong các thỏa thuận thương mại khác, CPTPP chắc chắn là điều mà chúng tôi sẽ cân nhắc, và Chile sẽ là một đối tác lớn của chúng tôi vào đúng thời điểm." Hôm thứ hai, chính quyền Trump đã cấm người dân Mỹ tham gia các giao dịch liên quan tới đồng tiền số mới của Venezuela, gọi là đồng Petro.
Hoa Kỳ cũng lặp lại lời đe dọa rằng các biện pháp trừng phạt dầu sẽ gây tổn hại cho Venezuela nhiều hơn có thể nếu chính phủ Venezuela không giải phóng tù nhân chính trị và bảo đảm rằng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ tự do và công bằng.
"Chiến lược của chúng tôi, như chúng tôi đã nói, chúng tôi đang đưa ra những biện pháp trừng phạt đối với những người trực tiếp, những người đang cướp đi các nguồn lực của Venezuela và đã phá hủy nền dân chủ của nước này", ông Mnuchin nói thêm rằng ông đã thảo luận về vấn đề này tại cuộc họp G20 với các quan chức Canada, Nhật Bản và một số nước thuộc Liên minh châu Âu. "Chúng tôi đã có cuộc thảo luận với các thành viên của EU về việc áp đặt lệnh trừng phạt và đối chiếu các biện pháp trừng phạt", ông nói thêm "Và đây là điều rất quan trọng, họ đến đây, và chúng tôi có một mặt trận thống nhất."
Phương Trang