Phải gần chục năm nay, thành phố Ninh Bình đã trở thành quê hương thứ hai của gia đình anh Nguyễn Văn Tính (quê ở Tĩnh Gia-Thanh Hóa). Quê nghèo, thu nhập của nhà nông không đủ để nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học đã khiến 2 vợ chồng anh phải bỏ quê, ra Ninh Bình kiếm kế mưu sinh. Ban đầu, hai vợ chồng anh thuê nhà trọ giá rẻ ở một phố thuộc phường Bích Đào rồi hàng ngày chồng ra các quán ăn sáng vỉa hè để đánh giày, vợ sắm một gánh hàng hoa quả đi bán dạo. Ngày nắng bù cho những ngày mưa gió, tằn tiện với cuộc sống sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, hai vợ chồng anh cũng tiết kiệm được chút ít gửi về quê nuôi con ăn học. Một lần vào quán ăn ở đường Lê Hồng Phong đánh giày cho khách, trong lúc chờ khách, thấy quán đông người đến mà người phục vụ trong quán không đáp ứng xuể, anh Tính đã nhanh nhảu chạy vào đỡ đần chủ quán bê thức ăn, dọn bàn... Rất hài lòng vì sự nhiệt tình và nhanh nhẹn của anh Tính, chủ quán đã cho anh ở lại quán để phụ việc gia đình. Đối với vợ chồng anh Tính, đây quả là may mắn vì hàng tháng sẽ đỡ đi một khoản tiền thuê nhà. Lo lắng vì 3 con ở nhà không có người dạy bảo, chăm sóc, chị Hà vợ anh trở về quê. Một mình ở lại thành phố, nhưng cuộc sống của anh Tính đã thuận lợi hơn rất nhiều. Hàng ngày, sáng sớm anh dậy đi các quán ăn sáng xung quanh khu vực phường Vân Giang để đánh giày, trưa về phụ giúp công việc của quán ăn, chiều lại đi đánh giày dạo và tối lại quay về quán để giúp đỡ chủ nhà. Được cái, chủ nhà cũng tốt bụng nên không chỉ được ở nhờ không mất tiền mà việc ăn uống cũng được chủ nhà miễn phí luôn. Lâu dần, giữa anh Tính và gia đình chủ nhà đã trở thành mối quan hệ thân thiết. Do đó, hàng tháng số tiền anh gửi về cho gia đình cũng đều đặn và đầy đủ hơn, không còn bập bõm như trước.
Góp mặt vào đội ngũ những người đi bán dạo khắp thành phố Ninh Bình, đối với chị Lê Thị Sang ở xã Ninh Phúc dường như đã đi mòn hết các ngõ phố bởi hàng ngày, với gánh hàng hoa quả tươi, chị phải đi bộ hàng chục cây số, hết phố này sang phố khác để bán hàng. Nặng trĩu với gánh hoa quả trên vai, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Sang chưa một lần nghĩ đến ngày nghỉ. Bởi nếu nghỉ một ngày, đồng nghĩa với không có mấy chục nghìn để lo cho ba đứa con đang tuổi ăn học. Có những hôm hết hàng sớm vì may mắn gặp khách mở hàng "nhẹ vía". Những ngày như thế, đối với chị Sang, gánh nặng trên vai dường như được trút bỏ. Nhưng cũng có nhiều hôm, đi hết phố này sang phố kia, hết người này cầm lên ngó nghiêng một hồi rồi lắc đầu không mua... cho đến có những cô, cậu thanh niên đòi nếm thử quả nọ, quả kia rồi không mua... khiến gánh hoa quả của chị từ sáng đến chiều tối vẫn nặng trĩu. Mà hoa quả có ăn trừ bữa được đâu. Những ngày như thế, lỗ 1-2 trăm nghìn đồng là bình thường. Đi bán hàng rong như vậy, sợ nhất là khi có xe trật tự đô thị của thành phố, lúc ấy thì mặc cho khách đang chọn hàng, nhấc vội gánh hoa quả trên vai, chị Sang chạy thốc tháo vào một ngõ phố nào đó để khỏi bị phạt...
Có một thực tế phải thừa nhận rằng, tiến trình đô thị hóa những năm qua đã góp phần tăng tỷ lệ lao động thành thị, giảm tỷ lệ lao động nông thôn. Bên cạnh đó, do diện tích đất nông nghiệp dần thu hẹp cũng là nguyên nhân khiến nhiều lao động nông thôn bỏ quê, ra thành phố tìm kiếm việc làm. Mỗi người mỗi nghề, dựa vào khả năng, sức lao động để lựa chọn nghề phù hợp với bản thân. Người có sức lao động thì xin vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp, đi phụ hồ tại các công trình xây dựng, góp mặt ở "chợ lao động"... Người có chút khéo léo trong giao tiếp, ăn nói thì đi bán hàng, phụ việc ở các nhà ăn kinh doanh dịch vụ ăn uống, đi bán dạo... Trong đội quân ra thành phố tìm kiếm việc làm, thành phần đa dạng: từ trẻ em độ tuổi 14, 15 đến người trung tuổi, phụ nữ, nam giới đủ cả. Phần lớn đã ra thành phố là miệt mài lao động, làm ăn với hy vọng có chi phí đều đặn để nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa... Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, do xa nhà nên sống buông thả, "dính" vào lô đề, cờ bạc, thậm chí là trộm cắp... ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở các khu nhà trọ.
May mắn như anh Tính có lẽ ít người gặp phải. Ngay như chị Sang, sau nhiều năm lăn lộn với những ngõ phố, vỉa vè nơi thành phố đã từ bỏ công việc quen thuộc, xin vào làm tại một xí nghiệp sản xuất bao bì ở Khu công nghiệp Khánh Phú. Đó là cũng một quyết định hết sức đúng đắn của chị Sang vì vào làm việc tại một doanh nghiệp sẽ ổn định hơn nhiều so với việc đi bán hàng rong. Nhưng không phải ai cũng may mắn có được việc làm gần nhà như vậy. Phần lớn những người ra thành phố kiếm kế mưu sinh đều ở độ tuổi quá tuổi tuyển dụng của các nhà máy, xí nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Bên cạnh đó, xuất thân và nhiều năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp nên nhiều người chưa qua đào tạo nghề, thậm chí không có một nghề nào trong tay. Do đó, khi có nhu cầu xin việc ở một doanh nghiệp nào đó, họ ít có cơ hội lọt vào "mắt xanh" của nhà tuyển dụng. Chính vì những lý do đó mà con đường tìm kiếm việc làm của họ trở nên khó khăn hơn và việc tìm ra thành phố, chọn vỉa hè hay bất cứ một ngành nghề nào để mưu sinh là lẽ đương nhiên.
Bùi Diệu