Trong không khí sum họp đầu xuân, khi con cháu nội, ngoại đều tụ tập về đông đủ để tổ chức lễ mừng thượng thượng thọ cho cụ Trần Văn Phượng (xã Kim Chính- Kim Sơn) tròn 90 tuổi, cụ vui lắm và chia sẻ với chúng tôi: Từ thời phong kiến, ông bà, cha mẹ khi tròn 70 tuổi, 80 tuổi… các con cháu trong gia đình đều quan tâm làm lễ thượng thọ để bày tỏ lòng hiếu thảo. Theo tục lệ, tuổi càng cao càng được tổ chức trọng thể. Đó không chỉ là dịp vui mừng của gia đình, mà còn là niềm vui chung của dòng họ, láng giềng. ở làng, xã ngày xưa thường mở tiệc mừng những người cao tuổi gọi là "yến lão". Nhiều nơi còn tổ chức đám "rước lão"… Trọng lão là biểu hiện của đạo hiếu, của sự kính trọng, thương yêu dành cho ông bà, cha mẹ đã có tuổi trong gia đình và dòng họ của người Việt. Chính vì vậy mà người ta vẫn có câu "Kính già, già để tuổi cho"… Cụ Trần Văn Phượng nhớ lại, ngày còn nhỏ cứ nhà ai có người sống thọ và được tổ chức lễ mừng thọ, gia đình đó coi như là có phúc lớn. Ngày tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi trong gia đình linh đình như ngày lễ lớn… Bẵng đi một thời gian dài, do điều kiện kinh tế khó khăn, do đất nước trải qua những năm chiến tranh mà hình ảnh về các lễ mừng thọ chỉ còn trong ký ức. Rồi những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế khấm khá lên, khi người cao tuổi nhận được quan tâm chu đáo, thiết thực của cấp ủy, chính quyền địa phương, các lễ mừng thọ đã được khôi phục và lan tỏa trong xã hội như một nét đẹp văn hóa dịp đầu xuân. Như đối với cụ Trần Văn Phượng, xuân này tròn 90 tuổi, cụ lại được Hội Người cao tuổi xã Kim Chính mời ra nhà văn hóa dự lễ mừng thọ chung cùng các cụ tròn 70, 80, 90 tuổi… của xã. Nhớ về những lần được dự lễ mừng thọ tập thể ở địa phương, cụ Phượng cho biết: Ngày vui đầu năm, chẳng có gì hạnh phúc bằng việc con cháu tụ tập về dự đông đủ. Về nhà, con cháu lại làm mâm cơm dâng lên tổ tiên và cùng chia vui khi người cụ, người ông, người cha trong gia đình bước vào cái tuổi "xưa nay hiếm" mà vẫn sống vui, sống khỏe… Theo thống kê của Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, xuân Bính Thân này toàn tỉnh có 14.357 người cao tuổi được tổ chức mừng thọ, trong đó có 1.300 cụ tròn 90 tuổi, 99 cụ tròn 100 tuổi, 208 cụ trên 100 tuổi… Nhiều năm qua, mừng thọ đầu xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa được nhiều gia đình, dòng họ duy trì, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương với mong muốn được quan tâm, chăm lo cho người cao tuổi, giáo dục con cháu biết trân trọng giá trị truyền thống gia đình, dân tộc "kính lão, trọng già". Với chức năng là tổ chức của người cao tuổi trong tỉnh, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội trên địa bàn quan tâm chăm lo, thăm hỏi người cao tuổi, thực hiện thống kê, rà soát danh sách người cao tuổi để có kế hoạch tổ chức lễ mừng thọ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi địa phương. Do đó, nhiều năm trở lại đây, cứ vào dịp xuân mới, lễ mừng thọ được tổ chức ở nhà văn hóa, tùy theo điều kiện của từng địa phương mà được tổ chức theo quy mô cấp xã hoặc cấp thôn, xóm, phố. Dù nội dung các lễ mừng thọ có khác xưa với các nghi lễ được lược bỏ cho phù hợp với nếp sống văn minh. Nhưng lễ mừng thọ nào cũng được tổ chức với đầy đủ các nội dung mang đậm nét văn hóa: chúc mừng của cấp ủy, chính quyền, Hội Người cao tuổi, chương trình văn nghệ, trao thư, tặng quà, chụp ảnh lưu niệm…
Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc duy trì tục "kính lão, trọng già" mà Hội Người cao tuổi các cấp đã và đang thực hiện được xem là một nét đẹp văn hóa rất đáng ghi nhận và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà lễ mừng thọ đem lại. Đó là luôn quan tâm chăm lo, phụng dưỡng người cao tuổi, để người cao tuổi được sống vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc trong những năm tháng cuối cuộc đời, đúng như câu nói của người xưa "Kính già, già để tuổi cho…"
Quỳnh Vy