Sáng 6/6, tại TP.HCM, TAND quận Phú Nhuận đã mở phiên tòa lưu động, xét xử bảo mẫu Lê Thị Lê Vy, người đã dùng băng keo bịt miệng cháu Đỗ Ngọc Bảo Trân dẫn đến ngộp thở và sau đó tử vong.
HĐXX đã đưa ra mức án cho cô bảo mẫu này là 3 năm tù với tội danh "Vô ý làm chết người do vi phạm các quy tắc nghề nghiệp". Đa số người có mặt ở phiên tòa đều cho đây là mức án quá nhẹ.
So với phiên tòa xét xử bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa hôm 18/3, thì tại phiên tòa này số người đến dự không đông bằng, quá trình xét xử cũng không có nhiều tình huống gây tranh cãi hơn nhưng không khí "lắng" lại thật u uất, nặng nề cả về phía HĐXX, gia đình người bị hại cho đến những người đến dự khán phiên tòa.
Cái giá phải trả ở đây không chỉ là những hình ảnh gây phẫn nộ dư luận cả nước của bảo mẫu Lê Thị Lê Vy mà đó là mạng sống, cái chết oan uổng của một đứa trẻ vô tội.
Mặc dù vụ việc này đã được báo chí thông tin khá cặn kẽ, bản cáo trạng của VKSND thể hiện khá rõ ràng nhưng không ít người đã bàng hoàng và không tin nỗi vì sao một cô bảo mẫu lại có hành vi bất thường và "mê muội" như vậy đối với một cháu bé mới lên 3.
Trở lại với diễn biến của vụ việc: Sáng ngày 30/11/2007 Lê Thị Lê Vy (sinh 1977) là cô nuôi dạy trẻ của trường mầm non tư thục Thiên Thơ (phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM) tiếp nhận bé Đỗ Ngọc Bảo Trân (sinh năm 2006) vào lớp "cháo nát" do mình phụ trách. Điều đáng nói cháu Trân là con của chị Nguyễn Đan Thùy, cũng là giáo viên của trường.
Khi thấy mẹ bỏ đi, cháu Trân khóc to và dỗ hoài không nín, thấy vậy cô Lê Vy mới cắt đoạn băng keo dán ngang miệng bé Trân để cho bé "ngừng khóc". Sau đó Lê Vy bỏ sang làm việc khác và khi quay lại thì phát hiện bé Trân ngạt thở tím tái.
Mặc dù ngay sau đó gia đình và nhà trường đã đưa cháu Trân đến cấp cứu tại Bệnh viện nhân dân Gia Định rồi chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, đến ngày 28/12/2007 thì cháu Trân tử vong.
Tại phiên tòa, phía đại diện VKSND chỉ đưa án đề nghị là 18 tháng tù giam, đại diện phía nhà trường, luật sự biện hộ đều "bào chữa" cho Vy là chỉ mới học lớp 5 lại chưa qua bất cứ lớp đào tạo chuyên môn nào nên "không tránh khỏi sai sót".
Tuy nhiên dư luận người dự khán phiên tòa đều cho rằng đó là những lý do không thuyết phục và càng làm cho tính chất phạm tội của Vy cũng như những người liên quan càng trầm trọng hơn.
Và không ít người đã giật mình. Phải chăng những bảo mẫu như Quảng Thị Kim Hoa, Lê Thị Lê Vy chỉ là ngoại lệ hay là đâu đó vẫn còn diễn ra những trường hợp bạo hành, ngược đãi trẻ thơ như vậy?
Người ta có quyền đặt câu hỏi: Cháu Trân là con một giáo viên trong trường mà Vy có thể nhẫn tâm làm như vậy thì những cháu nhỏ khác sẽ còn bị đối xử tồi tệ đến mức nào!
Khi mọi việc vở lở ra thì những người có trách nhiệm lại chuyển sang họ "Đổ". Lãnh đạo nhà trường cứ một mực than van, đổ lỗi là do Vy ít học, không có nghiệp vụ chuyên môn. Thế nhưng họ quên rằng khi "tiếp thị" với phụ huynh bao giờ họ cũng thổi phồng lên về những ưu thế của trường mình với tất cả những "lời hay ý đẹp".
Người ta đặt ra do "hạn chế về chuyên môn", thế còn tình người, lương tâm nghề nghiệp để đâu?
Cũng như vụ xét xử bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa trước đây, người ta thấy vai trò của ngành giáo dục trong việc quản lý, giám sát hoạt động của các nhà trẻ. Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, ở trường mầm non Thiên Thơ với trường hợp như cô Vy không có trình độ, không được đào tạo chuyên môn chiếm số lượng khá đông. Vậy mà từ trước đến nay không thấy ngành giáo dục để mắt đến cho đến khi sự việc đau lòng xảy ra.
Chính bà Phan Thị Xuân Thu, "sếp" trực tiếp của cô Vy cũng thừa nhận ngay như việc nhà trường không ký hợp đồng lao động với cô Vy cũng chẳng có ai để mắt đến, phòng giáo dục thì chưa bao giờ góp ý với nhà trường…
Cũng chính từ "thực trạng" này càng khiến cho dư luận thêm "nặng lòng". Và không ít người đã tự hỏi từ việc đánh đập tàn tệ cháu của "Hoa bảo mẫu" đến việc dùng băng keo bịt miệng trẻ cho đến chết của cô Vy thì sắp tới sẽ còn tiếp diễn chuyện gì nữa?!
Theo VTC