PV: Trong những năm gần đây, Yên Khánh là một trong 3 địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì và phát triển mạnh cây vụ đông và coi đây là vụ sản xuất hàng hóa của nhân dân trong huyện. Xin đồng chí cho biết những kết quả chính của vụ đông năm vừa qua? Đ/c Đinh Văn Vọng: Vụ đông năm 2016, toàn huyện trồng được 2.745 ha cây vụ đông các loại, đạt 109,8%, tăng 210 ha so với vụ đông năm trước. Tổng giá trị sản phẩm vụ đông đạt 175.757,8 triệu đồng (theo giá hiện hành); bình quân giá trị trên ha canh tác đạt 64 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng/ha so với vụ đông năm trước.
Nét đáng chú ý là vụ đông 2016 toàn huyện có 8 mô hình liên kết sản xuất với các doanh nghiệp với tổng diện tích là 314,2 ha, tăng 84,2 ha so với vụ trước. Một số mô hình liên kết có hiệu quả là: Mô hình trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu của Công ty TNHH Nông Hữu với quy mô 22 ha, thực hiện ở xã Khánh Vân 9 ha, Khánh Công 13 ha. Mô hình liên kết sản xuất bí đỏ của Công ty cổ phần INOVA quy mô 95,3 ha, được thực hiện tại xã Khánh Thành 20 ha, Khánh Trung 60,5 ha, Khánh Công 14,8 ha.
Mô hình liên kết trồng trạch tả của Công ty cổ phần Solavina, quy mô 99 ha, được thực hiện tại Khánh Thủy 62 ha, Khánh Thành 31,5 ha, Khánh Công 5,5 ha. Mô hình liên kết trồng khoai tây của Công ty cổ phần An Việt quy mô 2 ha tại HTX Đông Mai-Khánh Hải. Mô hình liên kết sản xuất rau an toàn tại xóm 13, Khánh Thành quy mô 20 ha, Khánh Hồng quy mô 1,6 ha…
PV: Mục tiêu, kế hoạch và tiến độ thực hiện vụ đông năm 2017 của huyện như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Đinh Văn Vọng: Mục tiêu cụ thể của vụ đông năm 2017 là toàn huyện phấn đấu gieo trồng khoảng 2.760 ha cây vụ đông các loại với giá trị ước đạt 187.788,2 triệu đồng; bình quân giá trị trên ha canh tác khoảng 68 triệu đồng. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở đăng ký của các xã, HTX với huyện và đó là chỉ tiêu giao cho các xã và HTX.
Về tiến độ, đến ngày 10/10 toàn huyện đã trồng được 390,4 ha cây vụ đông các loại; trong đó: Ngô đại trà 79,9 ha; ngô ngọt 7 ha; bí xanh 138,5 ha; ớt 5 ha; khoai lang 19 ha; rau các loại 134 ha. Diện tích cây vụ đông đã trồng ở các địa phương là: Khánh Hải đã trồng được 105 ha cây vụ đông các loại, trong đó có 2 ha ngô, 81 ha bí xanh, còn lại là rau các loại; thị trấn Yên Ninh 84 ha, có 2 ha ngô, 23 ha bí xanh, 9 ha khoai lang, 50 ha rau các loại; Khánh Lợi đã trồng 45,5 ha, có 17 ha ngô, 14,5 ha bí xanh, 9 ha khoai lang, 5 ha rau; Khánh An đã trồng 40 ha, có 20 ha ngô, 5 ha bí xanh, 1 ha khoai lang, 14 ha rau; Khánh Hòa đã trồng 18,5 ha, có 16,5 ha ngô; Khánh Vân trồng 24 ha, có 4 ha ngô đại trà, 7 ha ngô ngọt, 10 ha bí xanh, 3 ha ớt; Khánh Nhạc trồng được 20 ha rau; Khánh Tiên 12 ha, Khánh Mậu 12,5 ha…
PV: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn đã có mưa to đến rất to ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và vụ đông; đồng chí có thể cho biết những thiệt hại về nông nghiệp của huyện?
Đ/c Đinh Văn Vọng: Từ đêm ngày 9 đến hết ngày 11/10 trên địa bàn huyện đã có mưa to đến rất to với lượng mưa đo được khoảng gần 300 mm. Mưa to, nước lớn đã làm ngập úng toàn bộ diện tích lúa mùa còn lại trên đồng ruộng của huyện đang vào thời kỳ thu hoạch với khoảng trên 4.000 ha lúa bị đổ ngã, ngập úng; ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng lúa vụ mùa.
Với diện tích cây vụ đông cũng vậy; hầu hết đều bị dập nát, gãy đổ hoặc ngập úng và khoảng 70% diện tích đã trồng bị mất. Huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng điều tra, khảo sát nắm rõ, chính xác diện tích sản xuất nông nghiệp, cây trồng vụ đông bị thiệt hại, mức độ thiệt hại… do mưa lũ gây ra, để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân.
Điều quan trọng hơn cả là tiến độ sản xuất vụ đông gián đoạn, không còn khung thời vụ cho cây trồng vụ đông ưa ấm nên việc thực hiện kế hoạch gieo trồng vụ đông năm nay là rất khó khăn.
PV: Như vậy, thời tiết khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2017 của huyện. Để tiếp tục thực hiện vụ sản xuất này, theo đồng chí cần triển khai làm những việc gì?
Đ/c Đinh Văn Vọng: Trước hết các địa phương (xã, HTX) cần thống kê chính xác diện tích, mức độ…cây vụ đông đã trồng bị ảnh hưởng của mưa lũ, thực hiện ngay các biện pháp như: bơm tiêu rút nước, chăm sóc... cho cây đông còn khả năng phục hồi.
Hiện tại, khung thời vụ cho cây đông ưa ấm (bí xanh, ngô, đậu tương…) đã hết; tập trung chuẩn bi tốt các điều kiện: Quỹ đất, giống, phân bón, nhân vật lực… để trồng các loại cây trồng ưa lạnh (khoai tây, khoai lang, trạch tả, rau các loại…), mở rộng diện tích các loại cây trên trong điều kiện có thể, có điều kiện và có liên kết bao tiêu sản phẩm, hoặc sản phẩm có khả năng tiêu thụ nhanh và mạnh trên thương trường.
Vụ đông năm 2017 đang gặp nhiều khó khăn bất lợi, để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó hệ thống chính trị cơ sở có vai trò quan trọng để vận động, thuyết phục nhân dân; chỉ đạo và tổ chức sản xuất vụ đông ở địa phương mình.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc (Thực hiện)