Sau khi Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh ban hành Thông báo số 57/TB-BCĐ ngày 10-10-2011 về việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2010-2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh xây dựng kế hoạch MTTQ các cấp phối hợp tham gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời tỉnh tổ chức hội nghị triển khai những nhiệm vụ cụ thể của MTTQ tham gia xây dựng nông thôn mới, triển khai hướng dẫn các nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn việc thành lập Ban giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện giám sát các chương trình dự án. Kiện toàn Ban thanh tra nhân dân ở các xã, phường, thị trấn. Duy trì việc giám sát thực hiện quy chế dân chủ trong công tác xây dựng nông thôn mới.
MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến trong các tầng lớp nhân dân nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, những chính sách của Chính phủ, của các địa phương để nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân và trong cộng đồng dân cư về thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp thực hiện lồng ghép tuyên truyền chương trình xây dựng nông thôn mới bằng hình thức thông qua các hội nghị; tuyên truyền trực quan trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép trong các hội thi, các buổi tọa đàm…
MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức 12 lớp tập huấn với 1.608 người tham dự (cấp tỉnh tổ chức 4 lớp với 701 người tham dự; cấp huyện, thành phố, thị xã tổ chức 8 lớp với 977 người tham dự, thành phần gồm các thành viên trong Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư).
Từ những nội dung tập huấn, mỗi cán bộ trong Ban công tác Mặt trận đều trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc truyền tải nội dung quan trọng trong các hội nghị ở khu dân cư để phát huy dân chủ rộng rãi, tiếp thu ý kiến của nhân dân đóng góp vào việc xây dựng nông thôn mới, tham gia vào công tác lập quy hoạch, kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện…, nhất là đối với các xã làm trước trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ nhiệm vụ của MTTQ tỉnh và tình hình thực tiễn của địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã trên cơ sở thực hiện 5 nội dung Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" trong giai đoạn mới, MTTQ các cấp tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, chọn nội dung phù hợp, thiết thực theo 5 nội dung của Hướng dẫn số 70/HD-MTT.Ư-BTT ngày 20-8-2012 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để đăng ký xây dựng mỗi huyện 1 xã làm mô hình điểm về "Xây dựng nông thôn mới".
Đến ngày 25-11-2012, MTTQ của 6 huyện đã đăng ký mỗi huyện 1 mô hình điểm MTTQ tham gia xây dựng nông thôn mới. Mỗi điểm gắn với những nội dung cụ thể của Mặt trận Tổ quốc tham gia, có mục tiêu, có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó nhân rộng mô hình, điển hình, tạo niềm tin chung trong nhân dân.
Đối với thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp, sau khi ban hành hướng dẫn những tiêu chí cụ thể để triển khai thực hiện, đăng ký xây dựng mỗi đơn vị 1 mô hình điểm về "Xây dựng đô thị văn minh".
MTTQ các cấp đã tham gia đóng góp vào việc khảo sát và hoàn thành quy hoạch chung Đề án xây dựng nông thôn mới đối với các xã làm điểm và ở các địa phương. Giám sát việc tiếp nhận hỗ trợ xi măng cho các xã làm điểm xây dựng nông thôn mới để làm đường giao thông.
Phát huy mọi khả năng và sự tham gia của người dân với tinh thần "lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân", từ mỗi gia đình, cộng đồng, tạo động lực cho việc thực hiện xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống.
Hướng dẫn để Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức các hội nghị để nhân dân tham gia đóng góp vào việc xây dựng các quy hoạch; khi tổ chức triển khai đều tổ chức các hội nghị họp dân để nhân dân bàn bạc dân chủ, trên cơ sở đó tự nguyện góp công, góp sức, hiến công, hiến kế, hiến đất, hiến công trình của gia đình, hiến đất nông nghiệp, đất canh tác để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, kênh mương nội đồng.
Đến hết tháng 11-2012, MTTQ các cấp đã phối hợp vận động đóng góp của nhân dân là 138.9 tỷ đồng. Trong đó, có 8.932 hộ ở 62 xã hiến gần 30,2 ha đất (tổng giá trị đất ước đạt 32,7 tỷ đồng) để xây dựng các công trình công cộng như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, nhà văn hóa...; có 22.080 hộ dân đã đóng góp bằng tiền mặt, công lao động, nguyên vật liệu... trị giá 84,4 tỷ đồng; có 1.073 cá nhân "mạnh thường quân" ở các địa phương đóng góp tổng trị giá 21,8 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi của thôn như điện thắp sáng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trạm điện..., tạo ra khí thế thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn MTTQ các cấp phối hợp với cấp ủy, chính quyền hướng dẫn cơ sở thành lập Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Duy trì thực hiện tốt chức năng giám sát, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Triển khai tổ chức thành lập và duy trì hoạt động tích cực của các Ban giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện tốt việc giám sát các chương trình dự án ở các địa phương.
MTTQ các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo và hướng dẫn MTTQ các xã, phường, thị trấn kiện toàn 146/146 Ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn; phát huy hiệu quả vai trò hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở các xã, phường, thị trấn.
Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tập huấn cho cán bộ MTTQ cấp huyện, cấp xã và gần 200 thành viên trong Ban giám sát đầu tư cộng đồng của các địa phương về những nội dung, hoạt động, công tác giám sát đầu tư cộng đồng như: phạm vi giám sát, phương thức thực hiện giám sát cũng như hình thức tổ chức và phương thức hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng.
Đến nay, Ban giám sát đầu tư cộng đồng của các địa phương đã thực hiện được 74 cuộc giám sát, chủ yếu tập trung giám sát thực hiện các nội dung: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch sử dụng chi tiết, chỉ giới đất và sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công công trình, theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của chủ đầu tư và các nhà thầu trong đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; theo dõi, phát hiện tác động tiêu cực của dự án như xâm hại lợi ích công cộng, môi trường sinh sống của cộng đồng…
Với tinh thần "Nhà nước và nhân dân cùng làm", MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh với vai trò, trách nhiệm của mình đã thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, huy động được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư và các nguồn lực khác, trở thành điểm sáng của công tác Mặt trận trong việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới".
Sau 2 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo bước chuyển biến rõ nét về nhận thức và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân, đồng thời thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đinh Trường Sơn