Từ năm 2013 về trước, hoạt động giám sát của tổ chức Mặt trận chủ yếu thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn và hoạt động phối hợp giám sát với HĐND các cấp, các ban của HĐND. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW "Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội", MTTQ đã chủ trì, đồng thời phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng chương trình giám sát và tổ chức triển khai công tác giám sát.
Tại tỉnh ta, với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bằng nhiều hình thức phù hợp, hoạt động giám sát đã được triển khai trên lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động tư pháp có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân, đến tổ chức và hoạt động của bộ máy cơ quan quản lý nhà nước và những lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, của tỉnh như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số; việc quản lý nhà nước về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; việc giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri và nhân dân…
Đặc biệt là tổ chức giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tổ chức giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34 của ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát việc huy động quản lý, sử dụng vốn đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; giám sát việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở… MTTQ tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức giám sát cho cán bộ MTTQ các cấp; thành lập và tổ chức hoạt động của Hội đồng tư vấn ở cấp tỉnh, hướng dẫn thành lập Ban tư vấn ở cấp huyện và cấp xã.
ủy ban MTTQ cấp huyện và nhiều xã đã chủ động bám sát tình hình thực tiễn tại địa phương và những vấn đề bức xúc mà cử tri kiến nghị để xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm và thực hiện các chương trình phối hợp giám sát giữa MTTQ với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước có liên quan. ở nhiều nơi, MTTQ đã kết hợp làm tốt công tác giám sát với vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, tự quản ở khu dân cư về an ninh trật tự, giáo dục, cảm hóa giúp đỡ người lầm lỗi; giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tiếp tục được củng cố và phát huy, hoạt động có hiệu quả tích cực… Bên cạnh đó, các đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ động giám sát nhiều nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Trong quá trình giám sát, MTTQ tỉnh luôn coi trọng công tác trao đổi, đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân tại các khu dân cư. Mỗi cuộc đối thoại đều có sự tham gia của lãnh đạo chính quyền địa phương để tiếp thu giải quyết các ý kiến của nhân dân. Kết quả đó đã góp phần khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tăng cường đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Sau giám sát, MTTQ các cấp trong tỉnh đã góp ý đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong điều hành, quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, công tác phản biện xã hội theo Quyết định 217 cũng đạt được kết quả bước đầu. ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức góp ý, phản biện xã hội nhiều loại văn bản dự thảo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, như: Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự… Các tổ chức thành viên cũng tổ chức phản biện nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình.
Trong thời gian tới, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để triển khai thực hiện.
Đào Duy