Để triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh để hướng dẫn về Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Đồng thời in 3000 cuốn "Công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Luật Bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016", Luật Bầu cử Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND, các biểu mẫu phục vụ kịp thời cho các cấp triển khai công tác hiệp thương thuận lợi.
Ngay sau khi có thông báo cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII của ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016 của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh đã tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất (bước 1) để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, đơn vị, tổ chức ở tỉnh được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ngày 24-2-2011, tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu đã nhất trí thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Theo đó, số lượng người được bầu là 6 đại biểu, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII là 12 đại biểu. Trong đó, đại biểu do Trung ương giới thiệu là 2 đại biểu; đại biểu cư trú và làm việc tại tỉnh giới thiệu là 10 đại biểu. Cũng tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu đã nhất trí thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016 của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Số đại biểu HĐND tỉnh được bầu là 50 đại biểu; số lượng người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu HĐND tỉnh là 95 đại biểu.
Theo đồng chí Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh, việc thực hiện bước 2 của quy trình hiệp thương đã đảm bảo dân chủ, đúng quy trình, đúng cơ cấu, thành phần, số lượng được phân bổ và đúng luật. Sau khi được hướng dẫn nội dung, thủ tục, trình tự giới thiệu những người ứng cử và kê khai hồ sơ của những người được giới thiệu ứng cử, các cơ quan, đơn vị, tổ chức được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành giới thiệu 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội và 95 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Thực hiện theo quy định của pháp luật, Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh đã nhận bàn giao từ ủy ban Bầu cử tỉnh hồ sơ gồm: Tiểu sử tóm tắt, danh sách trích ngang và bản kê khai tài sản của 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội và 95 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh để chuẩn bị Hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Trên địa bàn tỉnh, không có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.
Bước 3 của quy trình hiệp thương, Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã nhất trí để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và 95 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, số đại biểu được giới thiệu ứng cử là 12 đại biểu (Trung ương giới thiệu 2 đại biểu, cấp tỉnh giới thiệu 10 đại biểu) với cơ cấu kết hợp: nữ chiếm 60%, tuổi trẻ chiếm 50%, ngoài Đảng chiếm 30%. Đối với bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh là 14 đơn vị; số người được bầu đại biểu HĐND tỉnh là 50 đại biểu; số người được giới thiệu ứng cử là 95 đại biểu với cơ cấu kết hợp: nữ chiếm 32,63%; tuổi trẻ chiếm 14,74%; ngoài Đảng chiếm 14,73%; dân tộc Mường chiếm 4,21%; tôn giáo chiếm 4,21%.
Thực hiện bước 4 của quy trình hiệp thương, tại các khu dân cư có người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh cư trú, Ban Thường trực ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn chủ trì phối hợp với chính quyền cùng cấp và các đơn vị có người ứng cử tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, 95 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Do có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện nên các hội nghị thu hút được số cử tri đến dự đông đủ, đảm bảo số lượng theo quy định của pháp luật. Đến ngày 8-4-2011, tỉnh ta đã hoàn thành việc lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, đảm bảo dân chủ, đúng luật, đúng tiến độ thời gian kế hoạch. Qua hội nghị, các cử tri đều khẳng định các đại biểu được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đều đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực, đạo đức để tham gia là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Đến nay, Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 (bước 5). Căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử, với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, các đại biểu dự hội nghị đã biểu quyết nhất trí lập danh sách chính thức 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội và 78 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, đảm bảo bầu đủ số lượng, có số dư theo luật định.
Ở cấp huyện và cấp xã, qua các bước của quy trình hiệp thương đã lựa chọn, giới thiệu 514 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 6.992 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Tổng số đại biểu HĐND được bầu ở các huyện, thành phố, thị xã là 272 đại biểu; ở các xã, phường, thị trấn là 3.862 người. Những người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã đã được lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú. Ban Thường trực ủy ban MTTQ cấp huyện và cấp xã đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã.
Nguyễn Thu