Trong những năm 1936 - 1939, Mặt trận Dân chủ Đông Dương và Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân chống đế quốc và bè lũ tay sai, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, dân quyền. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, thu hút mọi giới đồng bào yêu nước, tạo thành cao trào đánh Pháp - đuổi Nhật và là một nhân tố quyết định đưa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) ra đời đã mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hội Liên Việt đã cùng với Mặt trận Việt Minh huy động sức mạnh của nhân dân làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cách mạng còn non trẻ và đối phó có hiệu quả với thù trong, giặc ngoài, để vượt qua thử thách trước tình thế cách mạng và vận mệnh dân tộc như "ngàn cân treo sợi tóc". Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt (năm 1951) đã động viên sức mạnh toàn dân, toàn quân tập trung sức người, sức của đẩy mạnh cuộc kháng chiến với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến" làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi.
Trong giai đoạn cách mạng 1955 - 1975, cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, cả ba tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960), Liên minh các lực lượng Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/4/1968) cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, tập hợp và phát huy cao nhất sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975).
Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Mặt trận không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, hun đúc thêm truyền thống đoàn kết toàn dân tộc - đây là truyền thống quý báu, là tài sản vô giá của dân tộc ta; là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của MTTQVN, của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ủy ban MTTQVN các cấp tỉnh Ninh Bình đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phát triển các tổ chức thành viên vào tổ chức mình nhằm củng cố, mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; hoạt động của Mặt trận ngày càng hướng mạnh về cơ sở, khu dân cư. Tổ chức hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở thôn, xóm, phố, bản làng đã có nhiều chuyển biến, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản theo hương ước, quy ước, thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động của Mặt trận. Hàng năm, MTTQVN các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư thật sự thành cuộc biểu dương sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Năm 2018, ủy ban MTTQVN các cấp trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; đồng thời triển khai học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp tiếp tục thực hiện "Rèn luyện tư cách người cán bộ Mặt trận"; tích cực tham gia các hoạt động chào mừng kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt...
Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được MTTQ các cấp triển khai sâu rộng tới tất cả các địa bàn dân cư trong tỉnh, có tác động tích cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong các tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong xã hội; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp. Đến cuối năm 2017, có 1.452/1.688 khu dân cư văn hóa, đạt 85,96%, có 247.657/281.049 gia đình văn hóa, đạt 88,12%. Số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa là 133/145, đạt tỉ lệ 91,7%; có 1.567/1.688 khu dân cư có nhà văn hóa, đạt tỉ lệ 92,8%.
Ban Thường trực ủy ban MTTQVN tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông tri số 14-TT/TU ngày 3/5/2018 về "Lãnh đạo Đại hội MTTQVN các cấp và Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh Ninh Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024"; ban hành Kế hoạch số 185 /KH-MTTQ-BTT ngày 30/5/2018 về tổ chức đại hội; tập huấn cán bộ MTTQ các cấp trong tỉnh về tổ chức đại hội; thành lập các tiểu ban phục vụ đại hội MTTQ tỉnh; chỉ đạo chọn lựa đơn vị đại hội điểm cấp xã, cấp huyện.
Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh tham mưu, tổ chức hội nghị đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với hơn 200 cán bộ MTTQ các cấp trong tỉnh, được Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao về công tác chuẩn bị, tổ chức đối thoại; chủ trì hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh với đại diện cử tri về chuyên đề chính sách đối với ngành giáo dục và y tế. Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; giám sát việc triển khai, thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm xã hội. điểm mới trong công tác Mặt trận năm 2018 là: tổ chức hội nghị phản biện vào dự thảo tờ trình, nghị quyết "Quy định về nội dung, mức chi đảm bảo hoạt động giám sát, phản biện xã hội của ủy ban MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh"; tổng hợp ý kiến của các tổ chức thành viên trước các kỳ giao ban công tác dân vận của tỉnh; các đồng chí lãnh đạo MTTQ tỉnh trực tiếp đi dự sinh hoạt với Ban công tác Mặt trận khu dân cư, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của nhân dân, phối hợp và đề nghị các ngành chức năng trả lời; thực hiện chủ đề công tác năm 2018 - Tiếp tục đổi mới lề lối, phong cách làm việc; chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng và ban hành văn bản.
Ngày 26/10/2018, Ban Thường trực ủy ban MTTQVN tỉnh tham mưu cho Ban vận động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" tỉnh tổng kết công tác vận động Quỹ năm 2017, phát động Tháng cao điểm ủng hộ Quỹ tỉnh Ninh Bình năm 2018. Ngay trong ngày phát động đã tiếp nhận sự đăng ký ủng hộ của 80 đơn vị, doanh nghiệp với số tiền gần 7,1 tỷ đồng. Đến nay số dư Quỹ ở 3 cấp là trên 68 tỷ đồng.
Trong những năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) ở khu dân cư luôn được được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, cụ thể, sâu sát thu hút cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo nên bước chuyển mới và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực động viên, chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý thức cộng đồng dân cư; thể hiện rõ hơn vai trò, vị trí của MTTQ các cấp trong thực hiện chức năng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong thực việc cuộc vận động "Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Hàng năm, ủy ban MTTQVN tỉnh đã chọn mỗi huyện, thành phố 1 khu dân cư và tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy thành lập các đoàn của tỉnh đi thăm, dự hoạt động và tặng quà các khu dân cư tiêu biểu vào Ngày hội. Năm 2017, có 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với chủ đề "Chung tay giáo dục, giúp đỡ thanh, thiếu niên chậm tiến" theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 19/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình; có 1.530/1.688 khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội, đạt tỷ lệ 90,74%, nhiều khu dân cư đã phối hợp tổ chức được "Bữa cơm đại đoàn kết".
Kế thừa truyền thống vẻ vang 88 năm của MTTQVN, thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức Đại hội MTTQ các cấp theo tinh thần Thông tri số 14-TT/TU, ngày 3/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình; Kế hoạch số 185/KH-MTTQ-BTT, ngày 30/5/2018 của Ban Thường trực ủy ban MTTQVN tỉnh về lãnh đạo, tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Ninh Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024.
Hai là, Ban Thường trực ủy ban MTTQVN các cấp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên trong việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phát huy vai trò của các vị ủy viên ủy ban MTTQ các cấp, nhất là các vị ủy viên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, cốt cán tôn giáo.
Ba là, tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội theo quyết định số 217, 218 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; phát động chủ đề Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2018 - Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường.
Bốn là, chủ động, nắm chắc tình hình nhân dân, tham gia phối hợp giải quyết các vấn đề nổi cộm, phát sinh ngay từ địa bàn khu dân cư, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; định kỳ hàng tháng cán bộ MTTQ các cấp dự sinh hoạt Ban công tác Mặt trận tại khu dân cư; thực hiện Quy định lãnh đạo ủy ban MTTQVN các cấp tỉnh Ninh Bình đối thoại trực tiếp với nhân dân.
Năm là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo Kết luận số 62/KL-TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị "Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQVN và các đoàn thể chính trị-xã hội"; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận khu dân cư, của cán bộ MTTQ các cấp gắn với sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu quả, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở.
Kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống MTTQVN, 15 năm Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là dịp để MTTQ các cấp quán triệt sâu sắc, thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về công tác Mặt trận. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận tỉnh nhà quyết tâm đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, tận dụng thuận lợi, vượt khó vươn lên, năng động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đỗ Việt Anh
TUV, Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình