Dĩ nhiên điều khiến công chúng chú ý ngoài những lý do mang tính thời sự như: Công diễn vào đúng ngày kỷ niệm thành lập Đoàn 26-3, danh tiếng của tác giả Nguyễn Đăng Thanh thì vở diễn "đứng được" hay không sẽ được quyết định bởi chính chất lượng nghệ thuật của nó.
Với Nguyễn Đăng Thanh khi ông chắp bút cho kịch bản này thì bản thân ông đã chấp nhận một cuộc chơi sáng tạo nghệ thuật mang tính thử thách.
Tính thử thách trước hết bởi chính đề tài mà ông đã lựa chọn: Viết về du lịch, một đề tài hiện đang là vấn đề thời sự nóng hổi không chỉ với báo chí mà cả người dân.
Vở chèo có nội dung nói về một họa sỹ trẻ tên Thọ có tài, có chí hướng thực hiện một dự án du lịch làm giàu cho quê hương, bản làng. Vấn đề là ở chỗ dự án của Thọ không phải được thực hiện một cách dễ dàng mà gặp phải lực cản của rất nhiều yếu tố: Những kẻ buôn gỗ, phá rừng, buôn bán những ngôi nhà sàn cổ, những kẻ đầu cơ...
Cuộc đấu tranh sinh tồn cam go giữa một bên là những người ủng hộ Thọ (Bí thư đoàn Diễm, ông Quỳnh, bà Cẩm) và một bên là những người chống đối, phá hoại dự án của Thọ (ông Vang - kẻ đầu cơ, phá rừng; kiểm lâm viên Tùng; Quyên, nhân viên ngân hàng và nhiều kẻ xấu khác).
Nhưng sự tranh đấu giữa hai phía không phải diễn ra một cách đơn điệu theo kiểu "thiện thắng ác","ở hiền gặp lành" mà được khéo léo lồng trong một loạt các mối quan hệ: quan hệ yêu đương (Thọ - Quyên; Diễm - Thọ; Tùng và Diễm); quan hệ gia đình (ông Quỳnh - Diễm - Tú; Thọ và bà Cẩm); quan hệ lợi ích, mua bán (Tú - ông Vang, ông Quỳnh- ông Vang); quan hệ đồng đội, đồng chí, đồng lý tưởng (bà Cẩm - ông Quỳnh; Diễm -Thọ). Sự đan xen và biến đổi các quan hệ trên khiến mạch truyện của vở chèo trở nên đa dạng, phúc tạp song cũng vô cũng hấp dẫn.
Tất nhiên kết cục của những xung đột vẫn hướng đến một "lối kết thúc có hậu" theo kiểu truyền thống đó là Thọ, người có chí hướng, hoài bão, quyết tâm đã đạt được mục đích nhưng điều khiến người xem cảm động chính là những
thông điệp mang tính nhân văn mà tác giả kịch bản chèo hướng tới đó là: mọi hoạt động kinh tế của con người dù thế nào cũng phải hướng tới giá trị cao nhất là phục vụ cộng đồng, tôn trọng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái…
Đạo diễn NSƯT Nguyễn Quang Thập cho biết, trong nghiệp đạo diễn của mình đây là vở diễn mà anh đã đối mặt với nhiều thử thách nhất. Bởi không chỉ tác giả kịch bản đối diện với những khó khăn khi viết về đề tài "nóng" này mà ngay cả người đạo diễn cũng phải "lao tâm khổ tứ" không kém khi phải xử lý các tình huống thực tiễn sân khấu. ở một góc độ nào đó đạo diễn cũng là người "đồng sáng tạo" với tác giả.
Đứa con tinh thần kịch bản có thành hình, đến với công chúng hay không còn phụ thuộc vào hoạt động "sáng tạo lại" của đạo diễn với tư cách là một người chịu trách nhiệm chính bên cạnh một ê kíp gồm: đạo cụ, phục trang, sân khấu, âm thanh, ánh sáng, biên đạo múa…
Để truyền tải được trọn vẹn ý tưởng kịch bản còn phải kể đến sự đóng góp có tính quyết định của các diễn viên thủ vai trong vở diễn này. Một Huyền Diệu đằm thắm, tinh tế trong vai Diễm. Anh Tú đĩnh đạc, rất có duyên, có thần thái khi vào vai Thọ. Bên cạnh đó là sự trợ lực hiệu quả của dàn diễn viên khá "tinh nghề" như: Mai Thủy, Quốc Trị, Mai Hiên, Mạnh Hưng, Hồng Quân…
Nói về giá trị của vở diễn nhiều người có chung nhận xét: Thành công trước hết của vở diễn chính là việc lựa chọn vấn đề phản ánh: đó là những vấn đề hết sức thời sự như hoạt động kinh tế du lịch, vấn đề bảo tồn các tài nguyên sinh thái và nhân văn như giữ rừng, bảo vệ các ngôi nhà cổ.
Tuy nhiên những vấn đề trên đây lại cũng là những điều không hề cũ sau nhiều năm nữa vì đó là những vấn đề được đặt ra ở tầm quốc gia, nhân loại.
Điểm thành công thứ hai đó là vở chèo nhờ đạt được những giá trị nghệ thuật nên đồng thời cũng có giá trị tuyên truyền, mang tính giáo dục sâu sắc với nhiều thông điệp sâu xa và nhân bản: kinh doanh du lịch cần gắn với bảo tồn các di sản văn hóa, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…
Mai Phương