Nhiều hộ gia đình muốn tăng gia sản xuất để tăng thu nhập nhưng họ không biết làm như thế nào. Mô hình trồng bí xanh, mướp đắng và nuôi lợn của những người dân ở xóm 13, xã Khánh Thành (Yên Khánh) là một gợi ý hay cho người nông dân bởi yêu cầu nguồn vốn không cao và kỹ thuật khá đơn giản.
Để trồng một sào mướp đắng chỉ cần đầu tư ban đầu khoảng 2 triệu đồng để làm giàn (giàn này có thể sử dụng trong thời gian 4-5 năm), cộng thêm 150 nghìn đồng tiền giống, 700 nghìn đồng tiền phân bón. Sau 3 tháng, 1 sào mướp đắng có thể cho 3-3,2 tấn quả, với giá bán trung bình 4.000 đồng/kg thì bà con đã thu lãi tiền triệu. Trồng bí xanh cũng cho kết quả tương tự như vậy. Bên cạnh đó bà con có thể nuôi thêm lợn, vừa tận dụng nguồn thức ăn sẵn có vừa giảm bớt được chi phí phân bón cho cây.
Anh Nguyễn Xuân Dương, một trong những người đi đầu trong hoạt động phát triển kinh tế theo hướng này cho biết: Chỉ với khoảng đất nho nhỏ thế nhưng một năm anh cũng thu tới gần chục tấn quả. Đến vụ đông, sau khi thu hoạch lúa anh còn trồng 8 -10 sào dưa bao tử, đậu tương… ở ngoài đồng. Như vậy, sau khi trừ chi phí, anh thu về chừng 25-30 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc trồng rau, trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có khoảng 40-50 con lợn thịt và vài con lợn nái. Do am hiểu thị trường từ đó biết chọn thời điểm vào lứa thích hợp nên lợn của anh luôn xuất chuồng vào những lúc lợn được giá. Anh Dương cho biết: Bước đầu khi đầu tư phát triển mô hình này cũng gặp nhiều khó khăn bởi thiếu kỹ thuật, thiếu vốn. Sau đó được sự hỗ trợ cho vay vốn của Hội nông dân, rồi được đi học các lớp chuyển giao kỹ thuật và học hỏi từ thực tiễn, đến nay những quy trình khó như: ngâm ủ hạt giống, gieo trồng, chăm sóc, anh đều đã thành thục. Đặc biệt, anh còn sáng tạo khi trồng thêm được một vụ bí xanh hè thu. Vụ hè thu thường không thể trồng được bí xanh vì tỷ lệ đậu quả thấp, dễ bị ảnh hưởng của mưa bão nhưng sản phẩm bán lại được giá nên anh đã nhiều năm nghiên cứu đã chọn được thời điểm xuống giống thích hợp và dùng kỹ thuật chăm sóc, xử lý hoa sao cho sai quả, cuối cùng anh đã thành công. Từ mô hình của mình, anh Dương đã phổ biến, hướng dẫn cho nhiều bà con khác quanh vùng cùng làm. Đến nay, đã nhân rộng ra 11 hộ trong xóm, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân nơi đây.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu