Chỉ tính từ ngày 15/4/2007 đến nay, trên địa bàn xã Khánh Mậu (Yên Khánh) đã xảy ra 18 vụ vi phạm pháp luật với 31 đối tượng, gồm: trộm cắp tài sản 6 vụ 8 đối tượng, đánh nhau gây thương tích 7 vụ 14 đối tượng, hủy hoại tài sản 1 vụ 2 đối tượng, các vi phạm khác 4 vụ 7 đối tượng. Trong đó lứa tuổi vị thành niên và trẻ em vi phạm là 13 vụ với 23 đối tượng (trong đó trộm cắp tài sản 6 vụ 8 đối tượng, đánh nhau gây thương tích 5 vụ 12 đối tượng, hủy hoại tài sản 1 vụ 2 đối tượng và các vụ vi phạm khác). Trong 23 đối tượng là trẻ em và lứa tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật thì độ tuổi dưới 14 là 3 em; có những đối tượng chỉ trong thời gian ngắn đã vi phạm đến 5 lần.
Về mô hình quản lý, giáo dục trẻ em làm trái pháp luật ở Khánh Mậu, đồng chí Vũ Thành Chung, chủ tịch UBND cho biết: Tính chất vụ việc do các em gây ra là những hành vi nghiêm trọng, hậu quả gây ra cho xã hội lớn, tỷ lệ tái phạm cao, các em vi phạm đều ở vị tuổi thành niên do chưa nhận thức được hành vi của mình hoặc do bạn bè xấu rủ rê lôi kéo…
Tuyên tuyền, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên qua giao lưu văn nghệ.
Mô hình quản lý giáo dục trẻ em làm trái pháp luật ở Khánh Mậu ra đời đã phát huy được hiệu quả, thu hút sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, gia đình và nhà trường tham gia trong việc giáo dục quản lý các em, tạo môi trường thuận lợi là điều kiện để các em sửa chữa khuyết điểm, tiếp tục học tập tiến bộ trở thành công dân có ích.
Anh Phạm Hồng Phi, xóm 1, có con là Phạm Văn Hạnh, trước kia cũng là trẻ em hư hay tụ tập với bạn bè xấu chơi bời lêu lổng, trộm cắp, đánh nhau…cho biết: Nhờ có sự quan tâm giáo dục từ nhiều phía: lực lượng công an, hội phụ nữ xã, xóm, nhà trường và gia đình, bằng những biện pháp giáo dục tích cực, nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nhu cầu của con, hướng chúng tới một môi trường sống lành mạnh. Sau thời gian giáo dục hướng nghiệp đến nay Hạnh đã nhận ra được lỗi lầm và quyết tâm học tập, sống có ích hơn.
Qua rà soát phân loại và các biện pháp quản lý áp dụng, trong tổng số 23 em làm trái pháp luật gây ra 13 vụ vi phạm pháp luật, trong đó các vụ phạm pháp hình sự 1 vụ, xử lý bằng pháp luật 1 vụ, xử lý hành chính 7 vụ 16 đối tượng và giáo dục tại cộng đồng 5 đối tượng. Trong 5 em vi phạm pháp luật, qua quản lý giáo dục theo mô hình đến nay đã có 4 em tiến bộ.
Qua tìm hiểu cho thấy, việc tăng cường tuyên truyền giáo dục trong việc quản lý, giáo dục trẻ em, tích cực phòng ngừa trẻ em làm trái pháp luật bằng nhiều hình thức như duy trì mối liên hệ thường xuyên giữa MTTQ, Ban DSGD-TE, các ngành, đoàn thể, các thôn xóm, gia đình, nhà trường tổ chức tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật cho mọi lứa tuổi nói chung và tổ chức các lớp giáo dục cho các em đã vi phạm từ đó cho các em tự kiểm điểm cam kết sửa chữa khuyết điểm dần sống tốt hơn, trở thành người có ích cho xã hội.
Bài và ảnh: Đức Lam