Tháng 7-2005, chị được Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho đi tập huấn ở Vạn Phúc (Hà Tây cũ) về kỹ thuật chăn nuôi, chị hiểu rằng, chăn nuôi bây giờ không chỉ là kinh nghiệm mà nhất định phải có kiến thức cơ bản. Năm 2006, chị Lý chính thức được ký hợp đồng làm khuyến nông viên của xã. Cũng trong năm này, tỉnh mở lớp trung cấp khuyến nông, chị đã đăng ký tiếp tục theo học và đã tốt nghiệp bằng Cao đẳng Khuyến nông.
Là một khuyến nông viên cơ sở trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc, chị Lý thường xuyên bám sát cơ sở, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp tới HTX, đến từng thôn. Từ năm 2007 trở về trước, người dân Ninh An vẫn giữ thói quen trồng các loại lúa lai, lúa thuần và chủ yếu là gieo cấy mùa muộn nên năng suất lúa thường không cao. Điều đó làm chị Lý luôn trăn trở. Khi được đào tạo qua trường, kết hợp với kinh nghiệm sản xuất, chị Lý đã trực tiếp bắt tay vào thí điểm làm một số mô hình về lúa giống mới như: Lúa lai Thục hưng 6, Phú ưu 978 để thay thế một số loại giống cho năng suất thấp như: Bắc ưu 903, Nhị ưu 838…, đồng thời thực hiện cấy trà lúa sớm. Từ đó, năng suất lúa của xã tăng cao, là cơ sở để chị tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Để giúp nông dân đẩy mạnh chăn nuôi, chị luôn vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt tiêm văc xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; bảo quản, dự trữ, chế biến thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông; áp dụng các biện pháp vệ sinh chuồng trại, không để xảy ra tình trạng gia súc bị dịch bệnh, chết đói, chết rét.
Với mong muốn giúp những nông dân nghèo cùng mình vươn lên trong cuộc sống, chị sắp xếp thời gian để hoàn thành nhiệm vụ bằng những việc làm thiết thực, giúp hội viên nông dân sản xuất hiệu quả hơn. Ngoài công việc khuyến nông ở cơ sở, chị tranh thủ thời gian sớm tối và những ngày nghỉ để giúp đỡ gia đình. Với trên 1,3 mẫu ruộng khoán, áp dụng kỹ thuật thâm canh và giống mới, gần đây chị còn áp dụng kỹ thuật gieo sạ, năng suất tăng cao đạt trên 2,6 tạ/sào, trong khi đó có nhà chưa đạt 2 tạ/sào. Từ mô hình sản xuất của nhà chị Lý mà nhiều nông dân trong xã đã đến tham quan, tìm hiểu, học tập và làm theo. Nhiều năm qua, có rất nhiều mô hình đã thành công đem lại kết quả cao như: mô hình gà thả vườn, nuôi ếch lồng, trồng lúa thơm..., góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo chung của toàn xã, trong đó có sự đóng góp của khuyến nông viên Tạ Thị Lý.
Mai Lan