Trong câu chuyện với chúng tôi, cụ kể về thời thanh niên trai trẻ, một kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên: Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cụ Bùi Văn Hướng hăng hái đi đầu tích cực tham gia các phong trào, nhất là phong trào "diệt giặc dốt". Lúc bấy giờ xã Liên Sơn có tới 95% dân mù chữ, đặc biệt phụ nữ không ai được đi học. Chính quyền xã Liên Sơn đã thành lập Ban bình dân học vụ.
Với bằng Sơ học yếu lược, cụ Bùi Văn Hướng đã xung phong làm giáo viên dạy bổ túc văn hóa vào ban đêm ở xóm Cốc Sơn nơi cụ ở. Sau đó cụ làm Trưởng ban bình dân học vụ. Cụ đã động viên hàng chục người tình nguyện dạy bình dân học vụ không hưởng lương như cụ. Thôn xóm nào cũng đều mở các lớp học, có thôn mở tới ba, bốn lớp, học viên ở các lứa tuổi khác nhau nhưng phần đông là người cao tuổi, lần đầu tiên tiếp xúc với sách vở, chữ nghĩa nên khả năng tiếp thu chậm, nhiều giáo viên chưa có phương pháp sư phạm lại dạy tranh thủ ngoài giờ lao động vào các buổi tối, buổi trưa. Đó là những khó khăn làm cho Ban bình dân học vụ phải kiên trì mới duy trì được lớp học.
Xã lại mở phong trào phát động thi đua giữa các lớp học, nhờ vậy phong trào bình dân học vụ ở Liên Sơn ngày càng phát triển. Năm 1956, xã Liên Sơn đã thanh toán xong nạn mù chữ được Bộ Giáo dục công nhận là xã thanh toán nạn mù chữ sớm nhất trong cả nước, được Hồ Chủ tịch gửi thư khen ngợi và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Cụ Bùi Văn Hướng được bình bầu là chiến sĩ thi đua toàn quốc, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và được vinh dự gặp Bác Hồ tại Hà Nội, được Bác tặng thưởng Huy hiệu của Người. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những lời ân cần căn dặn của Bác vẫn in đậm trong trí nhớ của cụ.Từ năm 1959, cụ Bùi Văn Hướng được điều về Phòng Giáo dục huyện làm chuyên trách công tác bổ túc văn hóa. Năm 1960, cụ được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND tỉnh.
Trong hơn ba mươi năm công tác ở ngành Giáo dục, cụ Bùi Văn Hướng có nhiều thành tích xuất sắc đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hạng Nhất, một Huân chương Lao động hạng Ba, một Huy hiệu Bác Hồ và 6 Huy hiệu chiến sĩ thi đua của ngành Giáo dục. Năm 1983, cụ Hướng về nghỉ hưu tại địa phương. Thực hiện lời Bác Hồ dạy, cụ luôn sống mẫu mực, nêu tấm gương sáng cho gia đình, dòng họ. Cụ được giáo dân tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành xứ Uy Tế trực tiếp làm Chánh xứ 15 năm liền. Hiện nay với cương vị là Ủy viên Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh, Phó Ban đoàn kết công giáo huyện, cụ đã tích cực xuống cơ sở vận động giáo dân làm tốt bổn phận của mình đối với quê hương, với Tổ quốc.
Trong những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Sống tốt đời, đẹp đạo" do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động đã được bà con giáo dân trong giáo xứ Uy Tế nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều giáo dân đã giúp nhau giống, vốn, kinh nghiệm, vật tư kỹ thuật để sản xuất, quyên góp tiền, ngày công, giúp đỡ những gia đình neo đơn gặp khó khăn. Cụ Bùi Văn Hướng có tấm lòng thật nhân ái, gương mẫu về mọi mặt. Cụ được bình chọn là đại biểu đi dự Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ V năm 2008 tại Hà Nội. Những việc làm của cụ thật đáng trân trọng, là tấm gương để mọi người noi theo.
Lê Đắc Liễu