Đã lâu rồi, Nhà Thi đấu TDTT tỉnh mới có một giải đấu lớn và sôi động như đợt này và cũng đã lâu rồi, người dân mới thực sự quan tâm đến vé để vào xem các trận đấu bóng chuyền. Điều đó không chỉ khẳng định chất lượng của giải đấu mà còn đánh dấu bước chuyển biến mới trong nhận thức của người dân Ninh Bình yêu thích môn thể thao bóng chuyền là đã bỏ tiền túi ra để xem các trận đấu.
Theo Ban Tổ chức giải, dự kiến tiền thu từ bán vé các trận đấu được khoảng 700 triệu đồng. Chỉ tính riêng các trận đấu vòng tròn giữa các đội, từ ngày 13 đến 17-7, Ban tổ chức đã bán được 8.377 vé với giá 50.000 đồng/vé, thu về 418.850.000 đồng. Vé các trận bán kết và chung kết ngày 19 và 20-7, giá 100.000 đồng/vé cũng đã bán hết, ước thu khoảng 300 triệu đồng.
Tất cả các trận đấu đều có đông khán giả đến xem, trung bình có khoảng 3.000 ngườixem/trận đấu. Đặc biệt, trận đấu có đội Việt Nam thì Nhà thi đấu hầu như không còn một chỗ trống. Ngày khai mạc giải và ngày diễn ra trận chung kết, Nhà thi đấu trật kín chỗ ngồi, người ta đã phải kê thêm ghế để phục vụ nhu cầu của người hâm mộ. Ước tính sơ bộ có khoảng hơn 5.000 người đến xem.
Không chỉ có người yêu thích môn bóng chuyền ở Ninh Bình mà một số người ở các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa… cũng đến để xem, cổ vũ, càng làm cho số lượng khán giả thêm đông và không khí các trận đấu càng thêm náo nhiệt. Không khí Nhà thi đấu trong các ngày diễn ra Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV - Exim bank Cup 2013 được đánh giá là rất "nóng".
Đặc biệt là trước khi diễn ra trận chung kết, khi đội tuyển Việt Nam lội ngược dòng, thắng đội Sơn Đông (Trung Quốc) với tỷ số 3-2 để giành quyền vào chơi trận chung kết thì vé xem trận chung kết bóng chuyền lại "nóng" hơn bao giờ hết.
Không loại trừ trường hợp một số người đã nhân cơ hội này để "làm ăn". Họ "ôm" vé trận chung kết từ những ngày trước và chấp nhận rủi ro, nếu đội Việt Nam thắng trận bán kết để vào chung kết thì sẽ "thắng", nhưng nếu thua, rất có thể họ bị "lỗ" nặng. Vì vậy mà lượng vé đã được bán từ những ngày trước, nên những người đến sát giờ mới đi mua thì hết vé.
Khoảng từ 8h-9h ngày 20-7, trước Nhà thi đấu có hàng mấy trăm người tụ tập để mua vé, nhưng rất tiếc là đã hết vé. Nhiều người còn tràn cả vào tiền sảnh Nhà thi đấu để tìm kiếm cơ hội mua vé, nhưng không được. Theo như quan sát của chúng tôi, vé chợ đen đầu giờ sáng bán từ 220.000-250.000 đồng/vé, khoảng 9-10h đã tăng lên hơn 350.000 đồng/vé và đến đầu giờ chiều, trước trận đấu, có người còn bảo phải mua đến 500.000 đồng/vé.
Tuy vậy, vẫn có nhiều người tiếc rẻ vì không mua được vé để xem hai trận đấu giữa Sơn Đông và Kazacxtan để tranh giải Ba và đặc biệt là trận chung kết giữa đội tuyển Quốc gia Việt Nam với đội Giang Tô (Trung Quốc).
Điều đáng ghi nhận của giải lần này là công tác an ninh trật tự đảm bảo tương đối tốt. Bên trong Nhà thi đấu, khán giả rất đông, cổ vũ, hò reo cuồng nhiệt nhưng hầu như không xảy ra đánh, cãi nhau.
Các lực lượng làm nhiệm vụ trật tự được phân chia đều ở các khu vực. Bên ngoài Nhà thi đấu, ô tô, xe máy của người vào xem được sắp xếp ở các khu vực trong sân. Tình trạng một số người dân tự ý mở bãi trông coi xe máy ở phía trước ngoài Nhà Thi đấu như một số giải trước, vừa gây mất mỹ quan, vừa mất trật tự an toàn giao thông đã giảm đi rất nhiều.
Công tác thông tin, tuyên truyền về giải làm khá tốt. Trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương như: VTV1, VTV2, VTV3, VTV6, Báo Ninh Bình, Đài PTTH Ninh Bình… đều dành thời lượng thích hợp tuyên truyền về Giải. Nhiều trận đấu được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình của Trung ương và của tỉnh thu hút được đông đảo người xem.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo tốt việc thông tin trực quan. Trên những tuyến đường lớn của tỉnh từ huyện miền núi Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn, trong các ngày trước và trong giải đấu, xe thông tin lưu động của ngành chức năng thường xuyên đi tuyên truyền về giải.
Các đường phố chính của thành phố Ninh Bình và đặc biệt là trước Nhà thi đấu, băng zôn, cờ phướn được trang trí nhiều, đẹp mắt. Trước tiền sảnh Nhà thi đấu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức trưng bày triển lãm ảnh nghệ thuật "ấn tượng Ninh Bình" với nhiều bức ảnh về phong cảnh, con người của quê hương Ninh Bình.
Các nhà tổ chức đã biết lồng ghép sự kiện thể thao lớn với việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Ninh Bình với bạn bè, nhất là người của các tỉnh, thành khác khi về xem bóng chuyền tại Ninh Bình.
Công tác đảm bảo vệ sinh cả trong và ngoài Nhà thi đấu làm tương đối tốt. Khu dịch vụ do Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao bố trí phục vụ ngay trước tiền sảnh bên phải Nhà thi đấu rất thuận tiện cho nhu cầu của người đến xem…
Cảm nhận của nhiều người nói chung khi đến xem các trận đấu đã phải khen ngợi về việc tổ chức được một giải đấu thành công. Khuôn viên rộng rãi, trang trí nổi bật, sân thi đấu đẹp, hứa hẹn sẽ còn nhiều giải thể thao lớn được tổ chức tại Ninh Bình.
Vẫn biết rằng còn có những điều cần phải rút kinh nghiệm, song, thành công của giải là không thể phủ nhận. Nhiều người hâm mộ chỉ tiếc rằng, đội tuyển bóng chuyền Việt Nam đã chơi không thật sự xuất sắc trong trận chung kết, nên để đội Giang Tô (Trung Quốc) giành chức vô địch. Giá như đội Việt Nam đoạt Cúp thì niềm vui của tất cả mọi người sẽ trọn vẹn hơn.
Nhưng vẫn phải khẳng định, giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV - Eximbank Cup 2013 đã được các cấp, các ngành liên quan từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, tập trung chỉ đạo nên đã thành công tốt đẹp.
Mong rằng lĩnh vực thể thao đã được tổ chức chỉ đạo làm tốt (chí ít là qua Giải Bóng chuyền nữ lần này) thì lĩnh vực văn hóa và đặc biệt là lĩnh vực du lịch, tỉnh và nhất là ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng cần có sự quan tâm, tập trung chỉ đạo tốt hơn để du lịch Ninh Bình phát huy được tiềm năng, thế mạnh, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Thái Học