Sống dưới chế độ đế quốc, phong kiến, cuộc sống của gia đình cụ Truyên vô cùng bần hàn, cơ cực. Cụ bà hàng ngày phải đi làm thuê, cấy mướn cho địa chủ, cụ ông thì lang bạt khắp nơi (có thời gian sang cả bên Lào) làm đủ mọi nghề kiếm sống. Chính vì thế hai cụ sớm có cảm tình với cách mạng, tích cực tham gia đấu tranh chống ách thực dân, phong kiến. Ngay từ những năm 1930 - 1931, cụ ông đã cùng với những người nông dân trong làng đấu tranh đòi giảm sưu thuế. Tháng 8/1945, hai cụ ở trong đoàn người biểu tình vũ trang do Việt Minh tổ chức, kéo xuống huyện lỵ rồi tỉnh lỵ cướp chính quyền. Hai người con lớn được các cụ động viên vào du kích xã, tham gia bảo vệ chính quyền mới. Tuy nhiên, những năm tháng lao động cực nhọc cộng với bệnh tật đã làm cụ ông mất sớm (1946) để lại cho cụ bà sáu người con trai - lớn nhất 18 tuổi, bé út mới 4 tuổi. Từ đây, gánh nặng gia đình đè hết lên vai cụ bà. Hàng ngày cụ phải vất vả long đong vật lộn từ mờ sáng đến canh khuya để kiếm miếng cơm, bát cháo nuôi đàn con. Trong hoàn cảnh gian khó đó, chính cụ là người đã dạy dỗ cho các con sớm có ý chí tự lập, vươn lên tự khẳng định mình. Biết con đi vào nơi gian khổ, "mũi tên hòn đạn", song cụ vẫn không ngần ngại cho cả sáu người con lần lượt vào quân ngũ, trở thành những người "lính Cụ Hồ".
Xung phong nhập ngũ đầu tiên là anh Ngô Hoàng Châu (con thứ hai) vào Tỉnh đội Ninh Bình năm 1948. Không bao lâu sau, năm 1950, người con cả - Ngô Văn Truyện và con thứ ba - Ngô Quang Triên lại lên đường. Người con thứ tư của cụ - Ngô Văn Ny cũng trốn mẹ tòng quân khi vừa tròn 16 tuổi (1953). Họ đều ở các đơn vị chiến đấu, tham gia nhiều trận đánh, được trên khen thưởng, trong đó Ngô Quang Triên do lập được thành tích xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được bầu là chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Hòa bình lập lại, anh Ngô Văn Truyện và Ngô Hoàng Châu chuyển ngành về cơ quan Nhà nước. Ngô Quang Triên và Ngô Văn Ny được chọn đi học sỹ quan để tiếp tục phục vụ quân đội. Đến năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, Ngô Hoàng Châu lại tình nguyện tái ngũ và liên tục chiến đấu ở một sư đoàn chủ lực trên chiến trường Trị - Thiên.
Trước đó 2 năm, tháng 7/1963 hai người con cuối cùng của cụ là Ngô Thành Quy và Ngô Hải Lục sau khi tốt nghiệp cấp III đã quyết định không thi vào đại học mà xung phong vào bộ đội. Ngô Thành Quy chiến đấu ở Sư đoàn 308, Ngô Hải Lục chiến đấu ở Sư đoàn 304. Cả hai đều lập công xuất sắc trong các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971) và Quảng Trị (1972). Trong một trận đánh ác liệt ở Thành Cổ Quảng Trị, Ngô Hải Lục đã hy sinh anh dũng với cương vị Tiểu đoàn trưởng, khi anh vừa tròn 30 tuổi.
Tấm gương "Gia đình bộ đội" như gia đình cụ Ngô Văn Truyên - Vũ Thị Tổi thật tiêu biểu cho các gia đình "Có công với nước" trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của tỉnh Ninh Bình. Cả sáu người con đã xung phong ra mặt trận: một người đã ngã xuống, ba người là thương binh. Trong chiến đấu, tất cả đều trưởng thành, một người là sĩ quan cấp tướng, còn lại là sĩ quan cấp tá.
Ghi nhận những công lao đóng góp của gia đình, Đảng và Nhà nước đã trao tặng hai cụ Ngô Văn Truyên - Vũ Thị Tổi "Bảng vàng danh dự" và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1977, khi cụ bà còn sống, đồng chí Đỗ Mười - Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã về thăm và tặng quà cho cụ.
Nối tiếp truyền thống ông cha, 17 trong số 21 người cháu nội của hai cụ đã phục vụ trong quân đội, hiện còn 8 cháu đang tại ngũ. Cả 8 cháu đều là sĩ quan, trong đó có hai người là sĩ quan cao cấp.
Phạm Đức Hoàn