Danh cầm phố Khâm Thiên
Nghệ nhân tên húy là Phạm Quang Thảo, quê gốc Khánh Cường, dân gian vẫn gọi ông là Phạm Nghệ. Thầy Phạm Nghệ bẩm sinh tinh thông âm luật, thông thạo ngũ cung. Phàm là cổ nhạc, món nhạc cụ nào cụ cũng luyện đến bậc thành thục. Cũng vì cái sở đắc ấy nên danh tiếng của Phạm Nghệ đã vang xa, vượt ra ngoài ranh giới chật hẹp của làng xã, phủ đường Yên Khánh, làm cảm động cả đến những khách phong lưu của đất Hà Thành.
Vào một ngày gió mưa u hoài, những năm 1940 của thế kỷ trước, nhạc sư Phạm Nghệ đã làm một cuộc viễn du ra với Thăng Long. Đem cái sở đắc của mình ra mua sự thán phục của bao nhiêu đấng bậc tài hoa trong thế giới ồn ào thanh sắc phố Khâm Thiên. Những tay cự phách trong làng cổ nhạc Hà Nội vẫn thường nhắc nhớ tới ông với một niềm yêu kính đặc biệt. Danh xưng Cả Nghệ là do giới âm nhạc Hà Thành lúc đó suy tôn ông. Trong giới đàn hát phố Khâm Thiên những người có những ngón nghề như thầy Cả Nghệ không nhiều, càng đáng quý hơn khi thầy Cả Nghệ lại không phải gốc gác ở xứ "ngàn năm văn vật" mà sinh ra ở vùng đất của những chiếu chèo Yên Khánh. Vào thời điểm đó, khi mà nhãn quan của người đời vẫn nhìn những người xuất thân gốc gác quê mùa với một thiên kiến hẹp hòi thì việc vị nhạc công người Khánh Cường nhận được sự kính trọng của tài tử văn nhân Hà Thành thực không phải chuyện thường. Cũng từ đó, đêm đêm bên chiếu rượu nơi Cống Trắng, Khâm Thiên cái tài hoa lãng tử của một kẻ quê mùa áo vải được dịp phát lộ. Những tiếng đàn đáy ngọt như dao sắc, tiếng nhị hồ nhặt khoan một thời làm nghiêng ngả những chiếu chèo khắp vùng Bồng Hải, Yên Vệ nay lại có dịp thi thố để khách chơi đất kinh kỳ phải xúyt xoa. NSƯT Lý Thanh Kha (Nhà hát Chèo Ninh Bình) cho biết: "Cụ Cả Nghệ từ xưa đã rất nổi tiếng, người ta thường nhắc tới cụ Nghệ và so sánh với hai gương mặt cùng thời là nghệ sỹ Tự Lô (Gia Trung), Năm Ngũ (Hà Nội)...
Danh phận
Thời gian trôi, con tạo xoay vần. Sau năm 1954, ông Phạm Nghệ quy cố hương. Những người mến tài ông vẫn nhiều, đã mời nghệ nhân Phạm Nghệ về cộng tác. Từ một nghệ nhân dám mang tài ra thi thố với đám tài tử Hà Thành làm kế mưu sinh nay vị nhạc sư quãng tìm cho mình một danh phận. Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng nên Đoàn chèo Sông Vân. Rồi ông bận bịu với vai trò giảng viên của Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Hà Nam Ninh. Từ đó thầy Phạm Nghệ chuyên tâm đem cái sở học mà ông đã thủ đắc được trong quãng đời ôm đàn đi "kiếm cơm thiên hạ" truyền thụ cho các học trò. Rất nhiều học trò của ông hiện đang làm diễn viên hay nhạc công cho các đoàn nghệ thuật của Nam Định, Ninh Bình....
Nhạc sỹ Tương Lai, hậu nhân của cụ Nguyễn Bồng cho biết: "Sinh thời, cụ thân sinh ra tôi (cụ Nguyễn Bồng) có ở trong dàn nhạc bát cấu. Dàn nhạc bát cấu ấy nổi tiếng nhất tổng Bồng Hải. Lúc ấy ông Phạm Nghệ tuy trẻ tuổi hơn nhưng vì giỏi đàn, nhị nên cũng có chân trong dàn nhạc bát cấu cùng cha tôi". Ông Nghệ không chỉ giỏi môn đàn, nhị mà còn nổi danh nhờ tài thổi kèn tàu. Có lần trong một cuộc rượu, có nhiều nhạc sư, ca công đối ẩm, mọi người vui tiệc nên bày cuộc thi xem ai thổi kèn hay và dài hơi, người thắng cuộc sẽ được nguyên một bầu rượu nếp cẩm. Lần ấy ông Nghệ tham gia và đã giành phần thắng. Nhạc sỹ Tương Lai còn cho biết thêm, lúc còn sống cha ông kể rằng gia đình ông Phạm Nghệ có truyền thống về âm nhạc. Thân sinh cụ Nghệ là cụ Tứ vốn là nhạc công đánh đàn ca trù, thân mẫu ông Nghệ là người giỏi hát ca trù. Ông Nghệ giỏi đàn hát vì ảnh hưởng tự nhiên từ gia đình.
Những truyền nhân
Khi người viết thực hiện bài này thì vị nhạc sỹ tài hoa đất Khánh Cường đã khuất núi, nhưng những truyền nhân của ông thì vẫn còn. Ngoài những học trò trong các đoàn nghệ thuật, những ngón nghề tài hoa kia đã kịp được thầy Cả Nghệ chân truyền cho đám hậu nhân của mình. Trong đại gia đình ông Nghệ có cả thảy 10 người vừa con, vừa cháu, dâu, rể theo nghiệp âm nhạc, chủ yếu là cổ nhạc. Trong số đó có nhiều người mà sự tài hoa, máu lãng tử cũng không kém gì cụ Nghệ. Ví như nhạc sỹ NSƯT Hạnh Nhân, con trai cụ Nghệ, người hiện được xem như "cây đa cây đề" của làng nhạc chèo Việt Nam. Hay ngay tại quê hương Ninh Bình, hậu nhân của cụ Nghệ là NSƯT Phạm Tuấn Dũng cũng là nhạc sỹ kỳ cựu của Nhà hát Chèo Ninh Bình. Cổ nhân nói không ngoa: "hổ phụ sinh hổ tử", nếu như nhạc sỹ Hạnh Nhân thiện nghệ với môn đàn nguyệt, thì người em Phạm Tuấn Dũng sở trường món đàn Tam. Người anh cả đã khuất núi Phạm Văn Vi xưa kia cũng nức tiếng ngón nguyệt cầm, là nhạc trưởng đầu tiên của Đoàn chèo Ninh Bình. Hậu duệ của ông Vi hiện nối nghề cha, làm nhạc công của Nhà hát Chèo Ninh Bình.
Cụ Cả Nghệ lúc sinh thời tính tình phóng khoáng, lấy cái nghĩa, cái tâm của người nghệ sỹ đối đãi với người đời nên khi khuất bóng, nhờ phúc ấm gia đình, con cháu vẫn nối giữ được nghề, không những thế còn vinh thân từ nghề của cha ông mình.
Mai Văn Phương