Anh thường nói, đời anh đi tìm mãi mà cái đẹp cứ chập chờn trước mặt, không sao tới được. Nhớ lại, hôm anh khoe cái giấy báo về bức ảnh Lễ hội đền Thái Vi từ bên Nhật Bản gửi về trong một cuộc thi. Qua anh, tôi biết có được bức ảnh này vất vả lắm. Không kể bao lần Tuấn Hải vượt mấy chục cây số vào ra tìm hiểu nghi lễ, thời gian, bố cục, ánh sáng, chọn địa điểm… Rồi một ngày anh làm cuộc hành trình leo núi khi trời còn chưa sáng. Hình như có cái gì đó thôi thúc, anh dồn, gắng hết sức lực bấu vào từng thớ đá leo lên. Chụp xong, từ đỉnh núi xuống, người mệt nhoài mà núi đá thì vẫn lởm chởm, chênh vênh, ngoắt nghéo. Lạc đường, cái nắng bốc lên, mồ hôi không còn mà chảy nữa. Chớm chiều anh vẫn loay hoay ở lưng chừng đá, nhìn thấy con đường dưới chân mà vẫn không sao xuống được, người thổn thức, mắt hóa lên, anh cố bò đến một khe đá nằm vật ra rồi ngất lịm, cũng may hơi lạnh của khe đá làm cho anh tỉnh dậy rồi lại bám đá tìm lối bò xuống, khi xuống được đến chân núi thì đôi dầy vải đã rách nát từ bao giờ và trời đã không còn nhìn rõ mặt người. Hôm ấy anh về kiệt sức ốm gần một tháng.
Tuấn Hải sinh ra và lớn lên ở một vùng quê quanh năm sóng vỗ, bốn mặt nhà những ngọn núi nối nhau dầm mình trong nước. Mỗi sáng nhìn ra cánh đồng sương đục anh lại bắt gặp phất phơ những đời lúa đồng chiêm ngoi lên như dáng người lam lũ. Vì cuộc sống buộc anh phải rời quê ném thân ở nơi đất khách, quê người. Những năm tháng xa quê, anh vẫn dành một khoảng thời gian về quê chụp ảnh. Ngoài năm mươi tuổi anh về làng như thân kén nhả tơ, đam mê đi tìm cái đẹp.
Với cái máy ảnh thô kệch, cái xe đạp cộc cạch, vài ba thứ vật dụng tềnh toàng. Tuấn Hải lang thang trên khắp nẻo các vùng quê Kim Sơn, Yên Mô. Gia Viễn, Nho Quan. Hoa Lư, Tam Điệp…nơi nào bắt mắt ống kính là anh y như người sắp đào được vàng, mò được ngọc, ấy thế mà phần nhiều đãi mãi, tìm mãi chẳng thấy vàng, ngọc đâu cả.
" Đất lành Vân Long" (tác phẩm được tặng Băng khen danh dự
Hội nghệ sỹ Việt Nam).
Mang niềm đam mê vào vùng đất Vân Long đầy bí ẩn, ước muốn có một chiếc thuyền nan để tự mình vùng vẫy. Thế mà mãi đến khi nhận giải thưởng ở cuộc thi ảnh về chủ đề bảo tồn thiên nhiên của các vườn quốc gia, Tuấn Hải mới mừng rơn, reo lên vì số tiền giải thưởng vừa đủ mua một chiếc thuyền nan. Sắm được thuyền ngày ngày anh một mình luồn lách, mò mẫm, leo chèo từ đám năn lác này đến mỏm núi kia, quên ăn, quên uống thuộc từng nơi trú ngụ, từng đường bay của các loài chim, từng mạch cây, thớ đá ở khu ngập nước Vân Long. Anh mê đến nỗi nhiều khi dán mắt vào đàn cò vừa ập đến, lại tản ra, tản ra rồi lại ập đến khi tối mịt trời mà không biết mình còn đang ở giữa mênh mông đầm nước. Như tôi được biết, một trong những bức ảnh đầu tiên về Vân Long được nhận giải thưởng ở các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế là có của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Tuấn Hải. Hiện nay anh còn một kho phim sống động về vùng đất này.
Ngoài vùng đất Vân Long, nơi làm anh mê mẩn nữa là vùng Tam Cốc Bích Động. Những góc chụp đẹp nhất của vùng này chẳng biết có những ai ngoài Tuấn Hải không? Mà nếu có thì Tuấn Hải là một trong những người đã đi tiên phong, mở lối. Bằng chứng còn đấy, những bức ảnh của Tuấn Hải được triển lãm, được giải thưởng tại thời điểm xuất hiện mà chưa ai xuất hiện đã nói lên điều đó. Qua từng bức ảnh cho thấy, anh đã phải leo lên rất nhiều ngọn núi ở những địa hình khác nhau để tìm góc chụp.
Cách đây không lâu, vào đềnThái Vi tôi được nghe câu chuyên của một người ở vùng này kể lại về Tuấn Hải chụp Đền Thái Vi mà thấy vừa nể trọng, vừa bùi ngùi. Hôm ấy nắng đẹp, Tuấn Hải trèo lên mỏm núi phía trước chụp Đền Thái Vi. Chụp xong xuống chân núi bỗng thấy buổi chiều trời trong, nắng đẹp lạ thường, anh lại vội vàng leo lên đỉnh núi, nhưng lên tới nơi sấm chớp nổi lên, mây đen kéo đến, gió giật ầm ầm, một trận mưa như trút nước đổ xuống. Mỗi lần nghe tiếng sét inh tai xung quanh quả núi vào lúc nhá nhem trong cơn mưa mù mịt những người dưới đất lại thót tim khi biết anh một mình đang trên mỏm đá. Mà ngọn núi cả khi thời tiết đẹp người yếu bóng vía cũng không dám leo lên cái vách đá lởm chởm gần như dựng đứng ấy. Thế rồi Tuấn Hải cũng bò được xuống mặt đất trong cơn run bần bật, người xóm núi đốt lửa cho anh sưởi, đưa quần áo cho anh thay. Rét thế, ướt thế nhưng cái máy ảnh đáng giá chỉ bằng một cái túi đựng máy ảnh của một người chụp ảnh khác vẫn khô nguyên. Sau này tôi mới biết hôm ấy anh chỉ có một mảnh áo mưa không mặc cho mình mà đem bọc lấy máy ảnh. Anh bảo mình ốm vài hôm rồi khỏi chứ có mỗi cái máy mà hỏng thì lấy gì mà chụp. Trong tôi bỗng rưng rưng tràn ngập một nỗi buồn.
"Trảy hội Thái Vi" (tác phẩm đạt Huy chương Bạc Hội nghệ sỹ Việt Nam).
Cuộc đời Tuấn Hải không mấy suôn sẻ, anh có những nỗi buồn chớm vào là nước mắt. Nhưng bù lại chính niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật và sự giầu có về tâm hồn mà được bầu bạn khắp nơi biết đến, sẻ chia. Căn nhà gạch xỉ được xây tạm trên phần đất thuê ở gần chợ quê, nhưng là nơi không biết đã bao nhiêu những gương mặt văn nghệ sỹ từ bậc tài danh đến người bình thường khắp miền Nam, Bắc ghé thăm anh. Nhiều người vào, ra thương cảm cho hoàn cảnh, nhưng thán phục khi được biết và được thấy những bức ảnh Tuấn Hải chụp ở các vùng quê Ninh Bình treo kín trên tường. Ảnh để trên gác, ảnh cất trong hòm, ảnh xếp xung quanh nơi ngủ…cái nào cũng ghi dấu ấn, đậm tính nhân văn. Đi vắng thì thôi, cứ về nhà là anh lại mang ảnh ra ngắm nghía. Nhiều bận nửa đêm Tuấn Hải dậy bật đèn mở ảnh ra xem.
Suốt những ngày ở quê, người vợ tần tảo, hôm nào cũng dậy từ nửa đêm làm bánh rán để sáng ra đem bán ở chợ làng. Nhiều khi anh buồn thăm thẳm vì không thể nào nâng cao được mức sống cho gia đình. Cây sáo trúc theo anh đã mấy chục năm luôn là vật tri âm, tri kỷ cứu dỗi mỗi khi nỗi buồn ập đến. Anh hát và thổi sáo hay có tiếng cả vùng.
Tuấn Hải - Người nghệ sỹ Nhiếp ảnh của vùng quê chiêm trũng, ngày ngày lặng lẽ đi qua số phận mang đầy nỗi khát khao. Khát khao lớn nhất là làm sao mở được triển lãm những bức ảnh về miền đất Cố Đô Ninh Bình tại thủ đô Hà Nội mà anh sáng tác qua mấy chục năm cầm máy để giới thiệu với bầu bạn trong nước và quốc tế. Ước vọng này luôn cháy bỏng, luôn thường trực trong anh.
Bình Nguyên
(Hội VHNT Ninh Bình)