Ông là người dân tộc Mường có lòng kiên trì, nghị lực, ý chí vượt khó làm giàu. Từ hai bàn tay trắng, giờ đây ông đã trở thành một doanh nhân thành đạt với số vốn trong tay khoảng 30 tỷ đồng. Hiện nay ông là chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Xuân Hòa. Ông cũng là một trong những người đi đầu trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đặc biệt là phong trào xóa nhà tranh tre dột nát cho người nghèo.
Đón tiếp chúng tôi bằng một nụ cười cởi mở và những cái bắt tay thật chặt, ông đã đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi của nhà máy gạch tuynel Phú Sơn - nơi ông đang trực tiếp điều hành sản xuất. Qua trò chuyện húng tôi được biết, ông vốn sinh ra ở một vùng quê miền núi nghèo, với tuổi thơ lam lũ, vất vả. 11 tuổi ông đã mồ côi cha, phải cùng mẹ kiếm tiền nuôi 4 em nhỏ. Khi lớn lên ông Cộng cũng phải mất hàng chục năm gắn bó với con trâu, cái cày.
Từ năm 1979 đến năm 1991 ông được chính quyền địa phương và bà con xã viên tín nhiệm bầu làm đội trưởng đội thủy lợi 202 của xã Thạch Bình. Năm 1992 ông quyết định thành lập Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Xuân Hòa chuyên nhận thiết kế và thi công các công trình xây dựng. Đến năm 1998 ông mua lại nhà máy gạch Phú Sơn với số tiền 500 triệu đồng, khi đó chỉ là một nhà máy cũ nát xuống cấp với công nghệ lạc hậu.
Bước sang lĩnh vực mới, ông Cộng đã dành thời gian đi tham quan, học tập kinh nghiệm, nghiên cứu thay đổi dây chuyền công nghệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng của nhà máy với dự toán khoảng đầu tư khoảng 5 tỷ đồng.
Ngoài số tiền 1,5 tỷ đồng vay của Ngân hàng ông còn phải huy động thêm vốn của anh em, bạn bè và gia đình. Nhà máy gạch tuynel Phú sơn được trang bị dây chuyền máy móc tương đối hiện đại góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm gạch, tạo được uy tín trên thị trường. Chỉ trong một thời gian ngắn ông đã lãnh đạo Công ty trả xong các khoản nợ.
Trong những năm gần đây sản lượng của nhà máy thường xuyên đạt từ 15 -20 triệu viên/năm, tạo việc làm cho 180 lao động, chủ yếu là lao động địa phương, người dân tộc Mường với mức thu nhập gần 2 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó ông Cộng còn điều hành công ty duy trì lĩnh vực dịch vụ xây dựng đảm nhiệm nhiều công trình quan trọng trong và ngoài địa phương.
Cách đây mấy năm có người cho rằng ông Cộng đã "quá liều" khi đầu tư hàng tỷ đồng khai thác vùng đất hoang sơ đá lộ đầu mở dịch vụ du lịch tắm ngâm nước khoáng Cúc Phương trở thành khu nghỉ dưỡng với các loại hình tắng xoáy, tắm bồn, vật lý trị liệu, ăn nghỉ...
Nhưng những ai hiểu ông thì không hề ngạc nhiên bởi những kiến thức trong sản xuất kinh doanh và hiểu biết của ông về vùng núi giàu tiềm năng du lịch. Và ông Cộng đã tiếp tục gặt hái được thành công khi hàng năm khu nghỉ dưỡng đón hàng nửa triệu lượt khách trong và ngoài nước mang lại nguồn thu đáng kể.
Với những lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đa dạng, hàng năm tổng doanh thu của công ty đã đạt trung bình khoảng 20 tỷ đồng.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê gian khó, ông Cộng hiểu và thông cảm với những khó khăn, vất vả của người nông dân. Chứng kiến nhiều gia đình nông dân ở các xã Thạch Bình, Phú Sơn phải sống trong những căn nhà tranh tre vách đất khiến ông không yên lòng.
Ông bàn với Ban giám đốc Công ty hàng năm dành ra một phần kinh phí giúp đỡ hộ nghèo và ủng hộ về vật tư để họ có thể xây được ngôi nhà kiên cố. Ngoài ra Công ty của ông còn tích cực ủng hộ kinh phí giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.
Với những thành tích đáng ghi nhận đó, từ năm 1998 đến năm 2007, cá nhân ông Cộng và Công ty TNHH đầu tư xây dựng Xuân Hòa liên tục được UBND tỉnh tặng Bằng khen, từ năm 2001 đến 2005 Công ty được nhận cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh. Đặc biệt năm 2005 Công ty đã được đón nhận Huân chương lao động Hạng Ba.
Mặc dù đã bước vào tuổi "lục tuần", song ông Cộng vẫn còn ấp ủ nhiều dự định trong chiến lược phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó ông cũng muốn tiếp tục được tham gia vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện và giảm nghèo tại địa phương. Giải pháp được ông quan tâm nung nấu là giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là người nghèo và hỗ trợ họ về nhà ở để người nghèo có thể "an cư, lạc nghiệp".
Bài và ảnh: Kim Duyên