Nhớ lại buổi đầu thành lập xí nghiệp tư nhân với số vốn ít ỏi, chỉ vài chục triệu đồng, mấy gian nhà cấp 4, nhưng bù lại là ý chí quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương của người giám đốc xí nghiệp. Anh bắt tay vào tuyển lao động, sản xuất các mặt hàng truyền thống như: đệm cói, chiếu cói, thảm cói, gia công xuất khẩu ủy thác thông qua các đối tác ở Nam Định, Hà Nội. Sản phẩm làm ra được khách hàng chấp nhận, Xí nghiệp nhận được thêm các đơn hàng mới, duy trì việc làm thường xuyên cho 20 lao động trực tiếp và đội ngũ lao động thời vụ. Không dừng lại ở đó, anh liên tục cải tiến mẫu mã, làm ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu khách hàng, hướng đến xuất khẩu trực tiếp.
Năm 2005, anh Quang đầu tư xây dựng 2 lò sấy sản phẩm cói trị giá khoảng 700 triệu đồng, giúp Xí nghiệp cải tiến chất lượng sản phẩm cói, đồng thời loại bỏ khả năng rủi ro cháy sản phẩm khi sấy, tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh và sức khỏe cho người lao động. Bán được hàng, Xí nghiệp đầu tư vào tái sản xuất, mở rộng nhà xưởng và đưa thêm nghề đan bèo bồng về cho người lao động. Hàng năm, Xí nghiệp kết hợp với Trung tâm khuyến công (Sở Công Thương) tổ chức các lớp học nghề về đan bèo bồng, đan cói nhằm nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân và các học viên. Năm 2009, đã mở 4 lớp dạy nghề cho 120 lao động tại các huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh.
Tại xưởng sản xuất của Xí nghiệp, chúng tôi trò chuyện với chị Trần Thị Hoa, Mai Thị Thủy (thị trấn Phát Diệm), vừa làm chị vừa cho chúng tôi biết: Ngay từ khi còn nhỏ, các chị đã biết đan những sản phẩm từ cói. Công việc này không vất vả, phù hợp với nhiều người; các chị đã gắn bó với Xí nghiệp được 5 năm, công nhân ở đây luôn có sẵn việc để làm. Ngoài thời gian làm ở Xí nghiệp, các chị còn nhận hàng về nhà làm thêm. Trung bình mỗi tháng chị thu nhập khoảng 1 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Quang cho biết: Suy giảm kinh tế toàn cầu ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp sản xuất, gia công xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cói. Sự chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu giúp cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Trong thời kỳ suy giảm kinh tế, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm các mặt hàng giá rẻ, bền và thân thiện với môi trường. Trước đây sản phẩm mây tre đan chiếm tỷ trọng cao thì giờ đây chuyển sang các sản phẩm như bèo bồng, bẹ chuối, cói với những mẫu là khay, bàn ghế cùng nhiều vật dụng khác phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Hiện nay, xí nghiệp đã có một hệ thống cơ sở vật chất khang trang, với 1.500 m2 nhà xưởng, trụ sở làm việc, hàng nghìn mã hàng đa dạng như: thảm, chiếu, hộp, đệm, đồ gia dụng, giỏ, làn… đáp ứng nhu cầu của khách hàng Hàn Quốc, Nhật Bản…, tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp tại huyện Kim Sơn và các vùng lân cận với thu nhập bình quân trên 700 nghìn đồng/tháng.
Phương Nguyên