Vượt qua những khó khăn do hậu quả của cuộc chiến tranh khốc liệt, ông đã cố gắng thay đổi cuộc sống theo cách "tự lực cánh sinh" và cũng đã giúp hồi sinh nhiều số phận kém may mắn như mình.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo Yên Thái, năm 17 tuổi chàng thanh niên Đỗ Hồng Cẩm lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Đi khắp các chiến trường từ Nam ra Bắc, dường như không có khó khăn nào mà người lính này chưa từng nếm trải, song đến ngày hòa bình trở về nhìn con bị tật nguyền, bản thân lại đau yếu thường xuyên, kinh tế gia đình khó khăn, ông thực sự cảm thấy lúng túng trong vai trò là trụ cột của gia đình.
Năm 1996, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới Quèn Thờ, nay là thôn 12, xã Đông Sơn, ông Cẩm lại là một trong những người đầu tiên xông pha lên vùng đất khó. Vùng đồi núi rậm rạp, âm u, điện không có, đường sá đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa khô nước sinh hoạt thiếu thốn dường như đã trở thành lực cản cho mong muốn làm giàu của bất cứ ai. Nhưng với phẩm chất kiên cường của anh bộ đội cụ Hồ, ông Cẩm tin rằng "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm".
Bắt đầu từ việc khai hoang đất đồi để trồng cây ngắn ngày, ông Cẩm tính tới việc lấy ngắn nuôi dài. Cách tính toán này tưởng chừng đơn giản song rất phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình ông bởi hàng ngày vẫn phải lo ăn, lo học cho 3 đứa nhỏ, rồi dài hơi hơn là phải lo tiền chữa bệnh cho cháu thứ 2. Đứa con mà ông vẫn ngậm ngùi là nó phải chịu nhiều thiệt thòi nhất, ngay từ khi sinh ra cơ thể đã không được bình thường như những đứa trẻ khác, chân bị teo, không đi lại được, lại không có vành lỗ tai trái…
Gia đình cố gắng đưa cháu đi chữa trị ở nhiều nơi mà kết quả không có tiến triển gì. Những khó khăn đó càng thôi thúc ông nỗ lực làm kinh tế. Trồng ngô, khoai, sắn không phải đầu tư nhiều kết hợp với chăn nuôi trâu, bò và gà thả đồi trong khoảng gần 2 năm ông bắt đầu ổn định được cuộc sống gia đình. Có chút lưng vốn ông tiếp tục đầu tư trồng 2 ha dứa, 4 ha mía bán sản phẩm cho Cty CPTPXK Đồng Giao và Nhà máy đường Việt Đài (Thanh Hóa), trừ chi phí mỗi năm lãi từ 10 đến 20 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm cho con em hội viên cựu chiến binh trong và ngoài thôn, trung bình mỗi năm từ 400-500 công. Đó là vào những năm 1997-1998. Vài năm gần đây, tình hình thị trường có nhiều biến đổi, ông Cẩm nhận thấy công việc làm ăn cũng cần có sự điều chỉnh, cốt lõi là phải thay đổi các loại cây trồng, vật nuôi đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Nhưng trước khi mạnh dạn làm một điều gì mới mẻ, theo ông cần phải tìm hiểu, học hỏi kỹ lưỡng. Ông dành thời gian đi tham quan các mô hình kinh tế ở rất nhiều nơi, đặc biệt là những vùng có điều kiện tự nhiên gần giống với Quèn Thờ, điều đúc rút được từ việc học hỏi kinh nghiệm chính là xây dựng những mô hình cây, con đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Hiện gia đình ông Cẩm đang nuôi 8 cặp nhím đã cho thu hoạch cùng với nuôi hươu và đàn lợn, gà thả đồi lên tới hàng trăm con. Song song với chăn nuôi ông chú trọng phát triển trồng trọt bao gồm trồng rừng khoanh nuôi (88 ha) với các loại cây keo, luồng, chè và đào phai… Đó là những loại cây phù hợp với vùng đất đồi. Cây ăn quả có nhãn, vải, xoài cũng là nguồn thu nhập đáng kể. Năm 2011, gia đình ông Cẩm thu về khoảng 150 triệu đồng sau khi đã trừ các loại chi phí đầu tư.
Chưa dừng lại ở đó, điều quan trọng không kém với ông là được giúp những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trong khả năng của mình, một mặt ông tạo việc làm cho con em hội viên nạn nhân chất độc da cam ở địa phương, mặt khác ông giúp họ kinh nghiệm, kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, tư vấn cách làm ăn phù hợp. Nhờ đó có thêm 5 mô hình kinh tế trang trại làm ăn hiệu quả ở Quèn Thờ, nhiều hộ đã có cuộc sống ổn định về kinh tế.
Đào Duy