Sách có hai phần chính: Phần I: "Thầy viết và viết về thầy", phần II: "Trò viết và viết về trò" do gần 30 tác giả viết. Các tác giả của cuốn sách là chứng nhân lịch sử, là những người đã từng dạy và học từ những năm đầu tiên của Trường cấp III Ninh Bình, sau 50 năm trong ký ức vẫn còn nhớ như in những năm tháng sống, làm việc với bao kỷ niệm một đi không trở lại. Những trang viết toát lên những tình cảm tốt đẹp, nghĩa nặng tình sâu đối với trường, thể hiện sự nể trọng và có trách nhiệm, tình cảm quý mến nhau. Điều đó đã góp phần hình thành một tập thể tác giả đáng trân trọng trong cuốn sách, để có nhiều bài viết hay, mỗi bài một vẻ, đa dạng, phong phú.
Cuốn sách là sự hồi tưởng về một nhà trường từ ngày đầu thành lập. Mỗi bài viết của mỗi tác giả ghi lại một dấu ấn, một nét đẹp về nhà trường. Đặc biệt là bài "Những năm đầu công tác của tôi ở Trường cấp III Ninh Bình" của thầy Lưu Hùng Chương đầy đủ như một kịch bản phim, như lời thuyết minh cho một tác phẩm nghệ thuật, như một bản báo cáo tường trình chi tiết về ngôi trường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với những dãy nhà tranh, dãy cấp 4 là lớp học, gần sân trường là ruộng cấy lúa thực hiện phương châm giáo dục: Nhà trường kết hợp với lao động sản xuất; với ông Hiệu trưởng Vũ Trần Thực "người to cao, đầu hói, mắt sắc, một con người có trình độ cao, có phong cách thẳng thắn, trung thực"; với tập thể giáo viên 10 người ăn, ở tập thể, đạm bạc nhưng hết lòng vì công việc; với tập thể các lớp học sinh nghèo, hàng ngày đi bộ đến trường hoặc trọ học, cơm chẳng đủ ăn, áo không đủ ấm; với thư viện nhà trường là một cái tủ có vài trăm quyển sách cũ, phòng thí nghiệm sơ sài chỉ có mấy chiếc ống nghiệm, vôn kế, mấy bộ xương người bằng thạch cao; với các hoạt động nói chuyện ngoại khóa, lao động sản xuất, xuống nhà phụ huynh học sinh, đến các nhà học sinh trọ, văn nghệ đàn hát, thể dục thể thao, bóng bàn, bóng chuyền đủ cả và bình bầu thi đua lao động tiên tiến…
Trong ngôi trường ấy, thầy giáo là nhân vật trung tâm quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo. Bằng cách thể hiện đặc biệt, cuốn sách để chính các thầy viết về mình, các trò viết về mình, các trò và người khác viết về thầy một cách khách quan và trung thực, đó là những dòng cảm tưởng, những trang ký sự, những bài thơ, qua đó đã hiện lên một tập thể nhà giáo của Trường từ thời kỳ mới thành lập. Tập thể nhà giáo tuy dạy các bộ môn khác nhau nhưng đều có một nét chung là sống thanh đạm, yêu đời, yêu người, yêu nghề, "Tất cả vì học sinh thân yêu" theo khẩu hiệu của trường cờ đầu Bắc Lý (Hà Nam). Tập thể các nhà giáo ấy là những người thầy sống mô phạm về đạo đức, nhân cách, lối sống. Họ sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo và đều là những người thầy rất gần gũi và thương yêu học sinh, vì sự tiến bộ của học sinh.
Một nửa phần cuốn sách là bài viết của cựu học sinh khóa I, qua những trang viết đã hiện lên họ là những thầy giáo, thầy thuốc, là cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước. Họ có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, như Nguyễn Khắc Xương là sĩ quan quân đội, như Thiếu tướng Tống Kim Kiên, hay lão nông Đinh Phúc Nguyên, hoặc người có nghị lực phi thường như Ngọ - Tên Lửa; có người là linh mục như Vũ Quang Điện đang thầm lặng sống bởi đức tin Công giáo; có hai người Mai Châu Sơn, Lã Khắc Mẫn là đôi bạn tri kỷ, thân thiết như anh em ruột thịt. Mỗi người một vẻ, hầu hết đều thành đạt, được đào tạo, học hành đến nơi đến chốn, được làm việc cống hiến tài năng và công sức cho đất nước.
Cuốn sách "Nửa thế kỷ thầy và trò Trường cấp III Ninh Bình" được xuất bản góp phần vào nội dung kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (trước là Trường cấp III Ninh Bình) nhằm tạo dựng những hình ảnh về nhà trường từ ngày đầu thành lập; tạo dựng những hình ảnh về những người thầy đầu tiên xây dựng Trường, là những tấm gương sáng mãi mãi cho các thế hệ sau noi theo; tạo dựng hình ảnh về những người học trò có nghị lực và tinh thần vượt khó, vượt lên tất cả để học tốt, ra trường trở thành những người "công dân tốt, lao động tốt, chiến sĩ tốt, cán bộ tốt" cho nước nhà như mục tiêu của giáo dục - đào tạo lúc đó.
Đặc biệt, cuốn sách còn ghi lại những kỷ niệm của "Một thời đáng nhớ" giữa thầy và trò thời ấy với nhà trường, với thầy và trò bây giờ, có những lời cầu chúc, lòng mong muốn, nguyện vọng thiết tha những thế hệ hiện tại đừng quên "ngày hôm qua", để hãy tiếp tục và phát huy truyền thống của Trường. Cuốn sách như một gạch nối, một sợi dây liên kết, một kênh thông tin hữu hiệu để thầy và trò, thầy với thầy, trò với trò liên hệ với nhau thực hiện "Vẹn nghĩa thầy - trò, trọn tình bè bạn".
Nguyễn Văn Tuân