Nhưng đặc biệt "tiếng lành đồn xa" là từ khi triển khai dự án xây dựng chùa Bái Đính mới trong quần thể khu du lịch sinh thái Tràng An với những công trình có quy mô lớn, đồ sộ, hoành tráng, hiện đại nhất trong các ngôi chùa ở Việt Nam.
Vì sao ngôi chùa lớn nhất Việt Nam lại được xây dựng tại Bái Đính? Giá trị kiến trúc, lịch sử và ý nghĩa tâm linh của các công trình được tôn tạo và xây dựng tại khu chùa Bái Đính thế nào? Vì sao chùa Bái Đính lại nhanh chóng nổi danh đến như vậy? Cuốn sách "Bái Đính ngàn năm tâm linh và huyền thoại" của Trương Đình Tưởng, do NXB Thế giới (Hà Nội) vừa mới xuất bản có thể giúp ta hiểu sâu về các vấn đề này.
Như lời mở đầu cuốn sách tác giả đã viết "Trong đời sống con người, ngoài mặt hiện hữu còn có mặt "phi hiện hữu" mà người ta gọi là tâm linh... Mặt hiện hữu cuốn sách đề cập khá toàn diện, cụ thể, tỷ mỷ về vị trí địa lý, địa hình, địa danh, cảnh quan thiên nhiên, các con đường đến Bái Đính, các động, chùa, đền, giếng đã có từ nghìn năm ở núi Bái Đính được gọi chung là "Bái Đính cổ tự" và khu chùa Bái Đính mới lớn nhất Việt Nam với nhiều kỷ lục nhất quốc gia được gọi là "Bái Đính tân tự"...
Về mặt tâm linh, tác giả đã "thử tìm hiểu" đi sâu phân tích về phong thủy theo quan niệm dân gian cổ truyền, thể hiện Bái Đính là nơi "đắc địa", nằm ở thế "tả thanh long, hữu bạch hổ", "tiền thủy hậu sơn" được mô hình hóa trong cuốn sách. Để nói về Bái Đính ngàn năm tâm linh, cuốn sách đã dành hẳn mục I của chương II giới thiệu về Nguyễn Minh Không, quốc sư triều Lý, ông tổ khai sinh ra Sinh Dược về "Bái Đính cổ tự" trên đỉnh núi; giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, tài năng, đức độ của ông, những di tích, dấu tích của ông, những huyền thoại về ông gắn với Bái Đính, với quê hương Điềm Giang của ông và trong vùng, với dân, với nước.
Với vùng đất "địa linh nhân kiệt", cuốn sách đã cho thấy: Từ thời xa xưa núi Bái Đính đã là nơi diễn xướng, lễ bái lớn trên đỉnh núi. Sau khi đánh dẹp 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng đã cho lập đàn tràng để phong lễ, phong hầu bái tướng, phong chức tước cho các bá quan văn võ. Các vua sau này như Lê Lợi, Quang Trung đều lấy núi Bái Đính làm nơi tế trời, tế thần trước khi xuất chinh điếu phạt giặc xâm lăng. Bái Đính cũng là địa bàn chiến lược tranh chấp quyết liệt giữa 2 tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh với nhà Mạc. Vua Lê Thánh Tông đã đến Bái Đính, đề tặng trên đỉnh núi 4 chữ "Minh đỉnh danh lam" và bài thơ tứ tuyệt có câu "Nhân kiệt địa linh chung vượng khí"…
Tác giả đã dành hẳn mục I của chương III viết "Đôi nét về đạo Phật và Phật giáo Việt Nam qua các thời". Nó là đôi nét, tuy ngắn gọn trên 5 trang nhưng với cách viết phổ quát đã cung cấp rất nhiều kiến trúc chùa chiền, nhiều bậc Đại danh sư, trụ trì, vừa lo việc đạo vừa khuông phò vua lo việc nước.
Trong không gian "Hoa Lư tứ trấn" kể từ thời Đinh, Lê đến thời Lý Trần trên dải đất Cố đô và vùng phụ cận dày đặc các đền chùa miếu mạo thờ Phật - Thần - Tiên như Động Thiên Tôn, Chùa Bà Ngô, chùa Nhất Trụ, cùa Đại Vân, chùa Vạn Tuế, chùa Kim Ngưu, chùa Phong Phú, chùa A Nậu, chùa Bàn Long, chùa Hoa Sơn, Miếu An Tiêm, Viên Quang Tự... và nhiều đền, chùa khác nữa mà có lẽ không ít người mới chỉ có thể biết qua cuốn sách này.
Mỗi đền chùa đều được giới thiệu khái quát nhưng đủ để biết được địa điểm ở đâu, thờ ai, kiến trúc và ý nghĩa tâm linh, tôn giáo. Từ đó đi đến nhận định "Như vậy chùa Bái Đính cổ là đỉnh cao của diễn xướng lễ hội tâm linh dân dã trong vùng từ ngàn xưa... Nay chùa Bái Đính mới được xây dựng càng làm cho Bái Đính tưng bừng và phong phú thêm các diễn xướng lễ hội và tâm linh vốn đã có hàng nghìn năm nay trên dải đất "long chầu hổ phục này".
Càng thêm phong phú cho cuốn sách khi tác giả tập trung giới thiệu về các huyền thoại của vùng núi Bái Đính từ thời Hùng Vương dựng nước đến nay, trong đó nhiều huyền thoại, huyền tích về Đức Thánh Nguyễn như "Ông Khổng lồ gánh núi", "Sự tích Đồi Ba Rau, Đống củi, Xó bếp", "Sự tích bàn cờ, ô thuốc", "Ông khổng lồ bắt lươn"... Mỗi huyền thoại, sự tích đều được trình bày cô đọng nhưng ly kỳ cả về lịch sử và tâm linh càng làm tôn thêm vùng đất thiêng và giá trị hiện thực, tâm linh của Bái Đính.
Đúng như tác giả đã có đề cập, có thể có những vấn đề đã viết trong cuốn sách này cần phải tìm hiểu, khảo cứu, trao đổi thêm, nhưng thật sự cuốn sách đã cung cấp cho ta nhiều tư liệu, những thông tin quý giá mà có thể nhiều người chưa biết. Đọc xong cuốn sách này chắc rằng mọi người có thể hiểu đầy đủ, cụ thể, sâu sắc hơn và càng mong muốn sớm có chuyến về thăm khu trung tâm tâm linh Phật giáo Bái Đính. Những ai trước khi về thăm Bái Đính được đọc cuốn sách này chắc hẳn sẽ nâng hiệu quả chuyến tham quan lên gấp nhiều lần cho dù đã được các hướng dẫn viên nhiệt tình giới thiệu.
Thanh Túc