Lê Công vốn có sức khỏe và bản lĩnh kiên tâm được hun đúc từ môi trường quân đội, anh suy nghĩ phải tiếp tục làm việc. Với lòng đam mê và năng khiếu trời phú, anh cùng bạn bè chiến hữu sắm máy ảnh với chiếc xe máy làm trợ thủ rong ruổi săn tìm những khoảnh khắc đẹp của đời sống.
Sức sống mới. Ảnh: Lê Kông
Lê Công say mê lao động sáng tạo nghiêm túc, anh đã sớm thu hái được thành quả bằng giải thưởng chính thức ở triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng của Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tiếp đó là giải thưởng Văn học Nghệ thuật Trương Hán Siêu của Hội VHNT Ninh Bình.
Thời gian gần đây, bạn đọc trong và ngoài tỉnh quen biết Lê Công một cây bút làm thơ hơn là một nghệ sỹ nhiếp ảnh. Không biết tác giả này đã thực sự "bén duyên" với thi ca từ bao giờ. Anh cứ âm thầm lặng lẽ như con ong thợ chuyên cần đi về làm mật. Rồi thật bất ngờ liên tiếp cho ra mắt bạn đọc tới 5 tập thơ chỉ trong thời gian 4 năm. Đó là các tập "Trăng ẩn" xuất bản năm 2008; "Tiếng lòng" năm 2010; "Hương bồ kết" năm 2011; "Góc khuất" năm 2012 và "Địa linh" vừa mới xuất bản. Tất cả các tác phẩm của anh đều dành phần lớn tình cảm cho nghĩa tình đồng đội, về gia đình và tình thầy trò. Vùng đất "Địa linh" Cố đô Hoa Lư nơi anh sinh thành đã khởi nguồn mạch cho các sáng tạo. Hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Hoa Lư- Thăng Long-Hà Nội, tác giả viết:
Nghìn năm tỏa sáng hôm nay
Địa linh nhân kiệt Rồng bay mây vờn
Đinh Tiên Hoàng đế khí thiêng
Chiều thu hiển Thánh giữa miền thi ca
(Bên tượng Vua Đinh)
Hoài niềm về mỗi dòng sông, bóng cây dáng núi, đi tới đâu cũng có thể động chạm vào cõi tâm linh và chữ nghĩa. Thành phố trẻ Ninh Bình bên bờ sông Vân núi Thúy là một trong những địa danh như vậy.
Đã hơn 10 thế kỷ trôi qua, nơi đây Danh tướng Lê Hoàng đã khởi binh đi đánh giặc bảo vệ giang sơn bờ cõi. Thắng giặc trở về, Lê Hoàn đã cùng Thái Hậu Dương Vân Nga "ca khúc khải hoàn" trên bến sông này. Dòng sông "Giường mây" hôm nay vẫn hiền hòa soi bóng núi, vẫn mải miết nghiêng mình chảy ra biển lớn:
"Sông Vân dải lụa mềm uốn quanh thành phố
Soi bóng công trình mới xây
Liễu bóng tóc dài nhớ Thiên tình sử..."
Ngẫm về công đức sinh thành, Lê Công trải lòng mình bằng ngôn ngữ thơ thật kiệm lời mà huyền ảo:
Chập chờn ngọn nắng đông tàn
Giọt buồn viễn xứ hương tràn tình say
Quờ tay bắt ngọn heo may
Mềm lòng nhớ mẹ dáng gầy chờ con...
Cùng dòng cảm xúc như vậy là một thời hàn vi của cậu học trò hiếu học này:
Mái tranh lọt ánh trăng xiên
Mang hương cỏ lách tấm phên cửa đời
Chảy vào góc khuất một thời
Cha ôm con thức mong trời thôi mưa...
(Một thời để nhớ)
Với tâm thế của người chiến sỹ vừa cầm súng vừa cầm bút, Lê Công sống chân thành, rất mực yêu thương đồng chí, đồng đội. Trong số hơn 300 bài thơ đã xuất bản thì có tới gần một phần ba anh dành cho nghĩa tình đồng đội, trong đó có "Ký ức Củ Chi", "Hoa liệt nữ", "Hương bồ kết", "Chiều nghĩa trang", "Thời hậu chiến"... Anh luôn trân trọng và nâng niu từng kỷ niệm, mỗi thời khắc nơi trận mạc sống chết có nhau:
Em nằm đó như thiếu nữ ngủ trong rừng
Bên hố bom nghi ngút khói
Đồng đội đặt em vào lòng đất trong đêm
Tôi khắc tên em lên vỏ bom...
(Tìm em)
Lê Công sống nội tâm, khiêm tốn và chừng mực, anh rất ngại nói nhiều về mình, ví như sự kiện anh vinh dự được kết nạp Đảng tại trận địa, đã từng làm chiến sỹ trinh sát dũng cảm mưu trí, luồn sâu mở đường cho trận thắng lớn ở sân bay Biên Hòa, mặt trận Bình long 1972... có thời kỳ anh được điều động làm cán bộ Tuyên huấn thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh miền Đông Nam Bộ, rồi cả cầm máy ghi hình tư liệu ở mặt trận vậy mà nhiều người vẫn chưa biết. Ngay cả người vợ anh, một cô gái làng xinh đẹp hiền thục "Giỏi việc nước đảm việc nhà" sau này là một cử nhân Văn khoa luôn thấu hiểu và biết sẻ chia nỗi buồn niềm vui cũng chỉ thấp thoáng, kín đáo và tế nhị lướt qua thơ anh mà thôi.
Lê Công đi nhiều, anh hăm hở viết có phần vội vã như sợ bị tuột đi mất những cảm xúc hiện lên trước mắt. Chính vì vậy mà thơ anh như được chép ra thật tự nhiên không cầu kỳ bóng bẩy. Đây chính là những "Tiếng lòng" giúp anh bộc lộ và khám phá được chính mình, thấy mình càng nhỏ bé:
Trước bia danh nhân hồn Việt
Bóng mình nhòe lẫn rêu phong
Thả câu thơ bay theo gió
Hay đâu chìm vào thinh không...
(Chưa là cổ tích)
Tôi vừa kết thúc đôi điều cảm nhận này để sẻ chia niềm vui với anh thì nhận được một thông tin bất ngờ nữa: Cây bút Lê Công ở tuổi Ngọ sung mãn và xông xáo này lại sắp cho ra đời đứa con tinh thần thứ sáu mang tên "Vẫn chưa là cổ tích".
Nguyễn Quang Hảo
(Hội VHNT Ninh Bình)