Tác hại của thuốc lá đã được các cơ quan truyền thông và các cấp, các ngành, nhất là cơ quan chức năng nói cũng đã nhiều. Chỉ cần vào Google, gõ từ khóa tìm kiếm "tác hại của thuốc lá" thì chỉ sau không đầy nửa giây, sẽ có khoảng 18.100.000 kết quả. Bấm vào một trang bất kỳ, chúng ta cũng có thể đọc được những thông tin không khỏi giật mình. Ví dụ như: khói thuốc lá chứa trên 7.000 hợp chất hóa học, trong đó có 250 hóa chất độc hại và có ít nhất 69 hóa chất là nguyên nhân gây ung thư; thuốc lá là yếu tố nguy cơ thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe con người….
Thế nhưng ở nước ta, không ít người, ở mọi tầng lớp trong xã hội vẫn còn hút thuốc lá, thuốc lào. Người sang hút thuốc loại hảo hạng, đắt tiền như: xì gà, 555, hero…. Người vừa vừa thì hút Thủ đô, thuốc lào….Nhiều người trẻ hút thuốc lá điện tử…. Theo báo cáo của Bộ Y tế kết quả khảo sát ở 34 tỉnh, thành phố năm 2020, tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá còn 21,7%, chỉ giảm được 0,8% so với năm 2015. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong và nó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cùng nhiều loại bệnh tật khác.
Mỗi năm, đất nước ta có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Người ta dự báo nếu không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 người/ năm vào năm 2030. Nhận rõ tác hại của thuốc lá, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chúng ta đã có Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và không ít các văn bản quy phạm pháp luật khác về quyền, tránh nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá; các hành vi bị nghiêm cấm, các biện pháp giảm cung và giảm cầu thuốc lá, các điều kiện bảo đảm để phòng chống tác hại thuốc lá…. nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do hút thuốc lá đem lại. Tuy vậy, tỷ lệ người hút thuốc lá, thuốc lào hiện vẫn còn cao. Hình ảnh không ít người, thậm chí có cả những người trẻ tuổi hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử…vẫn bắt gặp thường xuyên ở trong mỗi gia đình, nơi hàng quán và thậm chí cả nơi công cộng. Điều nguy hại là những người không hút thuốc trong đó có phần đông phụ nữ, trẻ em cũng phải chịu "tai nạn" do chính khói thuốc của những người hút thuốc mang lại mà người ta gọi là hút thuốc thụ động. Khoa học đã chứng minh hút thuốc lá thụ động còn nhiều nguy hiểm hơn người hút thuốc lá chủ động. Hút thuốc lá thụ động có nhiều gấp 3 đến 4 lần các chất độc hại. Khi tiếp xúc và hít phải khói thuốc lá sẽ gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe con người. Những chất độc hại trong khói thuốc sẽ đi vào phổi, vào máu khiến làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tật. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay, người hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhất là những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường….
Đã đến lúc mọi người (cả người hút thuốc và không hút) cần suy nghĩ và tính toán lại xem, hút thuốc lá, thuốc lào được gì và mất gì? để có hành động đúng đắn vì sức khỏe cho chính bản thân mình, những người thân và những người xung quanh. Từ đó, người đang hút thuốc có thể thực hiện như chủ đề năm 2021 của WHO là "cam kết bỏ thuốc lá". Nếu chưa bỏ thuốc lá được thì cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, không hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá như:trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở y tế, nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn, thư viện, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất, nơi có nguy cơ cháy nổ cao, trên các phương tiện giao thông công cộng; không hút thuốc trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi và không sử dụng thuốc lá trong các lễ hội, đám cưới, đám tang. Cần phải giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút. Các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là ngành chức năng cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá theo quy định, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào hương ước, quy ước tại thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố. Thực hiện treo biển cấm hút thuốc tại các khu vực có quy định cấm theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chủ động làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng và các địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật.
Với những người thân và những người xung quanh, cần nhỏ to khuyên bảo, nhắc nhở những người đang hút nên bỏ thuốc lá, thuốc lào. Chúng ta có Quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá, Quyền yêu cầu người hút thuốc lá không hút tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Nhân ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), mong những người đang hút hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình mình và những người xung quanh, đồng thời tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhằm loại bỏ thói quen hút thuốc trong nhân dân, tiến tới một xã hội khỏe mạnh với một môi trường sống trong lành không khói thuốc lá.
Nguyễn Đông