Ông Nguyễn Dư là cán bộ quân đội về nghỉ hưu tại xóm Nam (xã Gia Tiến, Gia Viễn). Trong một lần về làm việc tại Trạm Y tế xã Gia Tiến, chúng tôi đã gặp ông. Người cán bộ y tế quân đội năm nào giờ đã cao tuổi, nhưng những gì về hoạt động của cơ sở y tế quê hương từ vài chục năm trước, ông vẫn nhớ rất rõ. Ông Nguyễn Dư cho biết: Tôi là y sỹ trong quân đội, đã có thời gian công tác tại Bệnh viện 103 nên trong thời gian công tác, thỉnh thoảng tôi về quê vẫn thường được người dân trong xóm, trong xã nhờ đến khám, chữa một số trường hợp. Quê tôi nghèo nên ngày ấy cơ sở vật chất của Trạm Y tế xã cũng nghèo nàn, chỉ là mấy gian nhà cấp 4 mái ngói sơ sài, bác sỹ không có nên nhiều nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của người dân vẫn không được đáp ứng đầy đủ. Đến năm 1985 khi tôi về nghỉ hưu theo chế độ, về quê thấy buồn khi được chứng kiến cảnh Trạm Y tế xã đã 7 năm "đóng cửa" vì không có bác sỹ. Sau 1 năm về địa phương, thấy tôi có thời gian công tác tại ngành y trong quân đội nên địa phương có mời tôi tham gia khám, chữa bệnh tại Trạm. Nhưng tôi cũng chỉ tham gia được có 1 năm rồi xin nghỉ vì cơ sở vật chất khó khăn, không đáp ứng được hoạt động khám, chữa bệnh. Kể từ đó đến nay, dù sinh sống tại địa phương nhưng tôi thấy nhiều bà con trong xã không đến Trạm vì các điều kiện của Trạm đều thiếu, nhất là việc không có bác sỹ.
Như bản thân ông Nguyễn Dư, là cán bộ hưu trí, có thẻ bảo hiểm y tế nhưng vì Trạm Y tế xã Gia Tiến không được ngành Bảo hiểm xã hội ký kết hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế do không đủ điều kiện nên rất nhiều người dân như ông muốn khám bệnh, dù là những bệnh thông thường như: cảm cúm, viêm họng... vẫn phải lên tận Bệnh viện Đa khoa huyện.
Tìm hiểu thêm về nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân nơi đây được biết, do việc đi lại lên huyện để khám bệnh xa xôi nên những cán bộ y tế về nghỉ hưu như ông Nguyễn Dư, gia đình của các cán bộ y tế xã lâu nay đã trở thành địa điểm được nhiều người dân tìm đến để được khám, điều trị một số bệnh thông thường. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lợi của nhiều người dân trong khám, chữa bệnh, nhất là những người tham gia bảo hiểm y tế bị ảnh hưởng. Do đó, với người dân Gia Tiến, điều mong mỏi bấy lâu của họ là có bác sỹ về công tác tại Trạm.
Không chỉ Trạm Y tế Gia Tiến khó khăn trong khám, chữa bệnh khi không có bác sỹ, theo khảo sát của HĐND tỉnh khi xây dựng đề án về y tế, nguồn nhân lực y tế theo Thông tư số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5-6-2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, cơ cấu của đơn vị y tế tuyến xã đủ 5 nhóm chức danh chuyên môn: bác sỹ, y sỹ (đa khoa/y học cổ truyền/sản nhi), hộ sinh trung học, điều dưỡng trung học, dược sỹ trung học. Chiếu theo quy định của Thông tư, hiện nhân lực y tế tuyến xã cơ bản đủ các chức danh, chỉ còn thiếu chức danh bác sỹ tại một số trạm.
Qua thống kê, hiện toàn tỉnh mới chỉ có 76% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ. Những trạm chưa có bác sỹ vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan: cán bộ của một số trạm "viện" lý do đã cao tuổi nên không muốn đi đào tạo nâng cao, nhiều địa phương muốn thu hút bác sỹ nhưng không thể thực hiện được vì điều kiện làm việc ở các đơn vị y tế cơ sở không đủ "sức hấp dẫn" đối với các bác sỹ trẻ mới ra trường... Bên cạnh đó, có một thực tế là hiện nay không riêng ngành Y tế Ninh Bình, nhiều ngành Y tế các tỉnh, thành trong cả nước cũng trong tình trạng thiếu bác sỹ về công tác tại các đơn vị y tế từ tuyến huyện trở xuống.
Ngay tại tỉnh ta, tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh là các bệnh viện chuyên khoa như: tâm thần, lao phổi, trung tâm phòng, chống HIV/AIDS... rất khó để tuyển được bác sỹ về công tác. Chưa kể, các bệnh viện tuyến huyện, nhất là huyện xa trung tâm như: Nho Quan, Kim Sơn... cũng khó thu hút bác sỹ. Ngay trong lộ trình bổ sung cho các đơn vị y tế trong tỉnh, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tuyển dụng hàng năm. Tuy nhiên, ưu tiên trước mắt vẫn là tuyển bác sỹ cho các bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện vì các đơn vị này vẫn thiếu nhân lực bác sỹ.
Theo lộ trình đào tạo bác sỹ theo địa chỉ mà ngành Y tế đã bắt tay vào thực hiện từ 6 năm trước đến nay đã bắt đầu cho kết quả khả quan. Ngành đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các trường đại học y, dược để đăng ký chỉ tiêu đào tạo bác sỹ, dược sỹ hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng, tổ chức tuyển sinh theo chỉ tiêu được giao để bổ sung bác sỹ, dược sỹ đại học cho ngành. Với cách làm này, đến nay đã có trên 200 sinh viên theo học đại học tại các trường đại học y, dược. Từ năm 2013 đã có 17 sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp.
Năm 2014 có 18 sinh viên tốt nghiệp ra trường và 20 bác sỹ, dược sỹ khóa tiếp theo chuẩn bị ra trường. Trước mắt, Sở Y tế ưu tiên tuyển dụng bác sỹ cho các đơn vị tuyến huyện và dự kiến từ cuối năm 2014 này sẽ có một số bác sỹ về tuyến xã. Như vậy, khoảng 3 năm nữa Ninh Bình sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu về bác sĩ tại các đơn vị trong ngành. Hiện Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng, phân công công tác đối với các bác sỹ trẻ mới ra trường.
Với số lượng bác sỹ được đào tạo theo địa chỉ, chắc chắn đây là nguồn nhân lực dồi dào bổ sung cho các cơ sở y tế tuyến xã trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân các địa phương, ngành Y tế đã có kế hoạch đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Ngành cũng phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã cử các cán bộ y tế xã đi đào tạo bác sĩ liên thông hệ 4 năm nhằm xây dựng và đảm bảo nhân lực cho tuyến y tế cơ sở...
Với các giải pháp đã và đang triển khai thực hiện trong việc đào tạo nguồn nhân lực bác sỹ của ngành Y tế, tin rằng, từ năm 2015 trở về sau, niềm mong mỏi có bác sỹ về công tác tại các Trạm Y tế của người dân nhiều địa phương sớm trở thành hiện thực.
Phan Hiếu