Nghề làm bánh ở làng Phong An nói riêng, xã Khánh Thiện nói chung đã có từ lâu đời, tồn tại từ thời Pháp thuộc. Xưa kia, sản phẩm của làng thường được người dân đem bán ở chợ Xanh - chợ nằm ở trung tâm xã, đồng thời là trung tâm giao thương của các vùng lân cận. Trải qua thời gian với những thăng trầm của lịch sử, hiện nay người dân nơi đây vẫn lưu giữ nghề làm bún, bánh với hơn 40 hộ tham gia, trong đó có nhiều gia đình làm nghề và giữ nghề từ hàng trăm năm nay. Mỗi nghề, mỗi sản phẩm bánh làm ra đều có những bí quyết chế biến riêng, truyền lại cho con, cháu qua nhiều thế hệ.
Ông Nguyễn Văn Goòng là một trong những hộ như thế. Năm nay bước sang tuổi 68, ông và vợ đã có gần 40 năm làm nghề tráng bánh đa. Ông cho biết: Bánh đa tráng có nhiều loại như bánh đa nướng, bánh đa thái, bánh đa canh. Riêng bánh đa nướng thì có bánh đa vừng, bánh đa gấc và bánh đa vừng sắt vỏ. Vẫn là chiếc bánh đa vừng, gấc ấy nhưng bánh đa nhà ông Goòng lại mang hương vị riêng biệt. Theo ông bà, gạo để làm bánh luôn được tuyển chọn kĩ càng. Gạo phải ngon, trắng nhưng không được dẻo. Hạt vừng phải to, đều, mẩy, sát sạch. Muối trộn say với gạo phải luôn là muối hạt. Gấc phải chọn loại gấc nếp, đỏ và thơm. Bột gạo sau khi xay xong phải tráng bánh ngay, vì nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Bánh đa nướng sẽ ngon hơn khi nướng bằng than hoa, quạt bằng tay và phải đảo đều tay khi nướng... Sự tỉ mỉ ấy sẽ tạo ra 1 chiếc bánh đa giòn, thơm ngon, đậm đà hương vị quê hương.
Đều đặn suốt 40 năm qua, gần như ngày nào hai vợ chồng ông Goòng cũng bắt đầu một ngày mới từ lúc 4 giờ để bắc bếp, vo gạo, xay bột chuẩn bị làm bánh. Những chiếc bánh đa thành phẩm được "ra lò" cũng là lúc bà Goòng mang những tấm bánh đã được phơi khô từ mấy ngày trước ra chợ bán (khoảng 5 giờ 30 phút). Theo bà Goòng, công việc làm bánh bây giờ có phần nhẹ nhàng hơn nhờ vào những trang thiết bị hiện đại như: nồi tráng bánh bằng điện, bột gạo được xay bằng máy, không phải xay tay. Khoảng hai, ba chục năm trở về trước, công việc làm bánh của gia đình thường bắt đầu vào lúc 1-2 giờ sáng, cũng ngần ấy gạo, 2-3 người phải luân phiên nhau giã thủ công vô cùng vất vả. Dịp Tết đến, việc làm bánh của gia đình ông Goòng cũng như các gia đình làm bánh đa khác trong làng nghề vất vả hơn, vì nhu cầu tăng cao. Đặc biệt, cứ ngày mùng một, mùng hai Tết, người dân nơi đây luôn duy trì phong tục mua đồng bánh đa gấc kèm theo chút muối, hộp diêm. Bởi họ cho rằng sự đỏ đắn, tròn trịa của đồng bánh đa gấc cùng với vị mặn mòi của muối, sự ấm áp của lửa... sẽ mang lại cho người mua nhiều may mắn, phát tài trong năm mới...
Ông Goòng chia sẻ thêm về nghề làm bánh đa: "Nghề này tuy không nặng nhọc nhưng mất nhiều thời gian và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nắng thì làm, mưa thì nghỉ. Nhiều lúc gia đình tôi tráng xong mẻ bánh, gặp trời mưa, thế là bánh bị mốc và ỉu, chỉ còn nước nấu cho gia súc, gia cầm ăn. Vất vả là vậy nhưng tôi theo ông bà, cha mẹ làm bánh đa từ những năm 30 của thế kỷ trước, giờ quen rồi, ngày nào phải nghỉ làm bánh do có việc bận hoặc do thời tiết là tôi thấy chân - tay như "thừa" - ông Goòng cười tươi.
Không chỉ riêng bánh đa, hơn chục nghề làm bánh khác ở làng nghề này đều mang đậm dấu ấn của làng quê Việt với những món ăn dân dã, được nhiều người ưa chuộng, làm nên thương hiệu của ẩm thực quê hương Khánh Thiện, khiến cho những chiếc bánh giờ không chỉ "gói gọn" trong không gian chợ Xanh, mà đã vượt qua khỏi biên giới làng, xã, huyện, tỉnh. Thậm chí sản phẩm bún, bánh đã được bạn bè du khách quốc tế biết đến khi trên bàn tiệc xuất hiện những chiếc bánh đa, bánh đúc, bánh giày, bánh nếp... khiến ai cũng háo hức thưởng ngoạn và tấm tắc khen ngon.
Sản phẩm bánh nếp và bánh mật của nhà chị Phạm Thị Dung ở xóm Cầu cũng khá nổi tiếng. Để có chiếc bánh ngon chị phải chọn lựa nguyên liệu cẩn thận: Gạo nếp, đậu, lá gói bánh, đến việc xay, ép bột, gói bánh và hấp bánh. Đối với chị, người làm bánh luôn phải tận tâm với nghề, không vì lợi nhuận mà bỏ qua bất cứ một quy trình nào cả. Những chiếc bánh nếp của gia đình chị làm ra luôn có vị thơm của gạo nếp, của lá chuối gói, của đỗ xanh. Còn bánh mật lại có vị ngọt thanh, dịu, thơm nồng của mật bột nếp trộn với mật, hòa quyện với nhân đậu, dừa tạo nên hương vị riêng, khó quên.
Trung bình mỗi ngày, gia đình chị Dung làm khoảng 300-500 chiếc bánh nếp, bánh mật. Bánh làm ra đến đâu, bán hết trong ngày đến đó, có những hôm không có bánh để mang ra chợ bán vì nhiều người đặt trước để làm quà biếu. Chị Dung cho hay: Những ngày Tết, bánh của gia đình được nhiều người biết đến đặt mua để làm quà quê, tôi phải thuê thêm người làm. Nhưng tất cả các khâu làm bánh tôi đều kiểm duyệt chặt chẽ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không vì số lượng mà bỏ qua chất lượng.
Cũng theo chị Dung, nghề làm bánh nếp, bánh mật đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Tuy đây không phải là nghề để có thể làm giàu, nhưng những người trong làng luôn mong muốn giữ lửa cho nghề, coi như giữ gìn một giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha.
Đinh Ngọc