Cũng chính vì vậy mà từ nhiều năm nay các bộ môn của Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh đã tích cực cử huấn luyện viên về các địa phương mở các lớp phong trào nhằm tạo nguồn tuyển. Có thể thấy sau nỗ lực đi tiên phong khá thành công của các môn Cờ vua, Vật...đến lượt môn võ Karatedo bắt tay vào cách làm này.
Theo ông Tạ Tuấn Sơn, Trưởng bộ môn Võ (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh) cho biết: Bộ môn võ Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh hiện có tổng số 23 vận động viên ở cả 3 tuyến: đội tuyển, đội trẻ, lớp năng khiếu tập trung.
Trong số các vận động viên đó có một số vận động viên được phát hiện từ các lớp huấn luyện phong trào tại các địa phương. Ưu điểm của cách làm này là ở chỗ vừa gây dựng được phong trào cho địa phương lại rút ngắn được quá trình đào tạo ban đầu do các tuyển thủ đã được huấn luyện sơ đẳng tại cơ sở.
Tuy nhiên nhược điểm của các vận động viên tuyển theo cách này nằm ở chỗ nó phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của các huấn luyện viên đào tạo ban đầu. Nếu huấn luyện viên giỏi, có khả năng huấn luyện căn bản tốt, thì các vận động viên sẽ tuyển lựa được ngay, ngược lại nhiều Huấn luyện viên hướng dẫn các kỹ thuật chưa thật sự chuẩn chỉ khiến vận động viên khi được tuyển vào các lớp năng khiếu thường phải chỉnh sửa các kỹ thuật chưa chính xác, nhiều khi những nhược điểm về kỹ thuật ấy đã ăn vào tư duy các tuyển thủ rất khó chỉnh sửa.
Cũng vì vậy môn võ Karatedo (Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh) tuy chủ trương tích cực mở các lớp phong trào để đa dạng nguồn tuyển, song cũng quản lý chặt về chất lượng huấn luyện. Các lớp phong trào đều do các huấn luyện viên của bộ môn trực tiếp huấn luyện, với sự đòi hỏi khắt khe về chuyên môn. Những em có năng khiếu khi được phát hiện đều được huấn luyện kỹ càng và chuẩn chỉ các kỹ thuật ngay từ ban đầu.
Hiện bộ môn võ (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh) đang duy trì 2 lớp đào tạo hệ phong trào từ giữa tháng 7/2020. Một lớp tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh và một lớp khác mở tại Trường Tiểu học Ninh Sơn với tổng số 2 lớp khoảng hơn 70 võ sinh. Hai lớp này do huấn luyện viên Phạm Hồng Thắng và Nguyễn Anh Dũng huấn luyện.
Huấn luyện viên Phạm Hồng Thắng là một huấn luyện viên chuyên nghiệp, đã nhiều năm làm công tác huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, trong khi cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Anh Dũng sau khi tốt nghiệp đại học TDTT đã trở thành huấn luyện viên đội tuyển Karatedo trẻ Quốc gia.
Với hai huấn luyện viên chất lượng như vậy, bộ môn võ kỳ vọng qua công tác huấn luyện phát triển phong trào, nhờ "đôi mắt xanh" của họ sẽ phát hiện cho Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh nhiều tuyển thủ có năng khiếu để đào tạo thành vận động viên chuyên nghiệp đỉnh cao.
Cũng theo ông Tạ Tuấn Sơn chia sẻ, một vận động viên kể từ khi bắt đầu tập cho đến khi có thể biết được khả năng như thế nào phải trải qua thời gian ít nhất là 4 tháng. Còn nếu tuyển chọn vận động viên đó về Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh để đào tạo thì cần khoảng thời gian 2 năm mới bắt đầu có thể thi đấu các giải trẻ.
Tuy nhiên nếu tuyển thủ được đào tạo tại các lớp phong trào tốt, thì thời gian đến khi thi đấu sẽ được rút ngắn khoảng 1 năm, vì các kỹ thuật cơ bản bước đầu đã được đào tạo tại cơ sở. Độ tuổi mà các vận động viên ứng tuyển trong khoảng từ 8 đến 16 tuổi. Tất nhiên về mặt lý thuyết thì như vậy song trên thực tế việc tìm kiếm vận động viên, đào tạo, thi đấu vô cùng khó khăn.
Quá trình đào tạo từ một ứng viên có chút ít năng khiếu đến một vận động viên đỉnh cao có thể tranh chấp huy chương cũng có thể ví như câu chuyện "đãi cát tìm vàng". Nhiều khi nguồn tuyển trong phạm vi nội tỉnh không đủ, các nhà chuyên môn đã phải mở rộng vùng tuyển ra các tỉnh khác với kỳ vọng tìm kiếm được nhiều ứng viên đáp ứng được yêu cầu.
Thực tế quá trình tìm kiếm đào tạo các vận động viên thành tích cao của môn võ Karatedo (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Ninh Bình) đã từng tìm kiếm thành công nhiều vận động viên theo phương thức từ các lớp phong trào.
Có thể kể tên bộ ba tuyển thủ quốc gia Giang Việt Anh, Giang Thành Huy, Nguyễn Anh Dũng được phát hiện từ các lớp phong trào tại xã Trường Yên huyện Hoa Lư. Chính huấn luyện viên Nguyễn Anh Dũng trưởng thành từ quá trình đó.
Hay như lớp năng khiếu nghiệp dư mở tại huyện Yên Mô trước đó đã tuyển lựa được 5 vận động viên cho Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Ninh Bình đưa về đào tạo. Các tuyển thủ như Nguyễn Anh Dũng từng giành huy chương đồng kata đồng đội giải vô địch karatedo các nước Đông Nam Á, trong khi tuyển thủ Giang Việt Anh từng 2 lần giành huy chương đồng các kỳ Sea games và hiện vẫn là nòng cốt của đội tuyển Quốc gia.
Năm vận động viên của Yên Mô cũng đã có em vào diện tranh chấp huy chương tại các giải trẻ Quốc gia, hiện đang được gợi vào đội tuyển trẻ Quốc gia tập tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Từ thực tế thi đấu, từ thực tiễn quá trình mở các lớp phong trào tại Ninh Bình có thể khẳng định cách làm này là một trong những cách đi đúng hướng. Không chỉ môn võ Karatedo mà nhiều môn khác cũng đang triển khai theo bước đi này: cờ vua, vật, quần vợt, cầu lông, điền kinh, cử tạ...
Trong bối cảnh mà thể thao thành tích cao ngày càng có sự cạnh tranh quyết liệt về thành tích thì mọi giải pháp nhằm nâng cao thành tích luôn được tính tới, trong đó hướng tìm kiếm vận động viên từ phong trào tại cơ sở cũng là một giải pháp hữu hiệu cần đẩy mạnh thực hiện.
Bài, ảnh: Phương Nam