Tuy nhiên, sau nhiều năm ngự trị ở đỉnh cao thành tích, đến nay các danh thủ đều bước qua thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp. Cả hai danh thủ Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương đều đã lớn tuổi, nghỉ thi đấu để chuyển sang công tác huấn luyện. Cùng với việc giã từ hai tượng đài của điền kinh Ninh Bình, thì môn điền kinh của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cũng phải nhường lại ngôi vị danh giá của mình cho các trung tâm khác.
Cả hai danh thủ Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương tuy không còn thi đấu nhưng khao khát cống hiến cho thể thao trong họ thì không bao giờ vơi cạn. Ngọn lửa hy vọng ấy đã được Cương, Hằng thổi vào lớp tuyển thủ kế cận. Tại nhiều giải đấu trong nước, những lứa học trò đầu tay của Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương cũng đã thi đấu và giành giải thưởng.
Tuy nhiên, điều mà những người làm thể thao kỳ vọng ở Cương, Hằng lại không phải chỉ là những huy chương bạc, đồng hay vài thành tích tầm tầm ở những giải mở rộng. Cái mà điền kinh Ninh Bình kỳ vọng ở họ là việc phải tạo ra lớp những tuyển thủ mới đủ sức làm nên những tên tuổi có thể thay thế mình trong tương lai.
Tuy nhiên, có vẻ như đây là điều mà các huấn luyện viên Ninh Bình dù rất nỗ lực nhưng chưa thể vươn tới được. Thế mới biết giữa thi đấu và huấn luyện là hai lĩnh vực khác nhau mà công tác huấn luyện lại là một thử thách mới đối với họ. Và trong hành trình tìm lại "thời vàng son" của quá khứ, điền kinh Ninh Bình đã có những quyết sách nhằm "tái cơ cấu" mạnh mẽ công tác huấn luyện.
Động thái đầu tiên là phân công lại nhiệm vụ huấn luyện cho các huấn luyện viên điền kinh theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ thành tích. Tiếp đó là việc sàng lọc lại lớp vận động viên hiện có, xốc lại một bước quy trình đào tạo và tiến hành đợt tuyển lựa vận động viên mới. Những động thái nhằm thay đổi thói quen trong công tác huấn luyện thổi vào điền kinh một luồng sinh khí mới.
Theo ông Vũ Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, bộ môn điền kinh hiện có tổng số 20 tuyển thủ và 5 huấn luyện viên. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác huấn luyện, tháng 6/2020, Trung tâm đã tiến hành tuyển lớp vận động viên mới với hơn 10 vận động viên, giao nhiệm vụ cho các huấn luyện viên, qua đó kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi trong công tác huấn luyện và thành tích của môn thể thao này.
Trong quá khứ, Ninh Bình từng là địa phương có thành tích mạnh ở môn điền kinh, có kinh nghiệm đào tạo tốt ở môn này, vì vậy nhiệm vụ của công tác huấn luyện hiện tại là phải nâng cao chất lượng nhằm lấy lại vị thế đã có của điền kinh trong một tương lai gần.
Tất nhiên câu chuyện thành tích trong thể thao vốn dĩ "dục tốc bất đạt", muốn chấn hưng môn điền kinh cần có khoảng thời gian nhất định. Một tuyển thủ kể từ khi tuyển mới cho đến khi bắt đầu thi đấu các giải lứa tuổi mất ít nhất 2 năm. Còn từ lớp tuyển thủ trẻ đến một vận động viên đỉnh cao phải đầu tư trong khoảng 2 chu kỳ đại hội TDTT, khoảng dưới 10 năm.
Như vậy, trong ngắn hạn điền kinh Ninh Bình khó mà tạo mà tạo ra lớp tuyển thủ có thành tích như Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu môn điền kinh là việc cần phải làm nếu không muốn điền kinh Ninh Bình bị tụt hậu.
Còn tùy vào khát vọng và cách làm ở lứa tuyển mới này để điền kinh Ninh Bình có thể kỳ vọng vào việc cất cánh trong tương lai hay không. Mấu chốt câu chuyện nằm ở chỗ khát vọng của những người làm công tác huấn luyện, bởi trong quá khứ, điền kinh Ninh Bình đã từng giành ngôi vị rất cao ở trong nước.
Bài, ảnh: Phương Nam