Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã tập trung thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, của tỉnh về các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và các chính sách tiền tệ năm 2018.
Qua đó, 5 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động trên địa bàn đã đạt 37.913 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm và đáp ứng 58% tổng dư nợ cho vay. Dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đạt 65.063 tỷ đồng, tăng 3,3% so với đầu năm với mức lãi suất cho vay dưới 7% chiếm 12,3%; lãi suất từ 7-9% chiếm 24,7%; lãi suất 9-11% chiếm 51,3%; lãi suất trên 11% chiếm 11,7%.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, du lịch, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ...Đồng thời, thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Theo đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng 5 tháng đầu năm đã đạt 15.300 tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm, chiếm 24,3%/tổng dư nợ các chi nhánh ngân hàng thương mại; dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 974 tỷ đồng, chiếm 1,5%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt trên 14 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,5%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ ước đạt 288 tỷ đồng, chiếm 0,4%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay các dự án kinh tế lớn của tỉnh đạt trên 2.000 tỷ đồng, giảm 12,6% so với đầu năm, chiếm 3,2% tổng dư nợ.
Cùng với việc mở rộng tín dụng, thường xuyên rà soát, đánh giá việc cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay có đảm bảo bằng bất động sản, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn để đưa ra chỉ tiêu quản lý phù hợp, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động.
Đến hết tháng 5, tổng nợ xấu của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn là 3.758 tỷ đồng, trong đó nợ xấu của các Ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX, Quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng chính sách xã hội là 837 tỷ đồng, chiếm 1,3%/tổng dư nợ. Tổng dư nợ được các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn cơ cấu lại cho khách hàng là 617 tỷ đồng, tổng số nợ được xử lý rủi ro là 785 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh làm việc trực tiếp với khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng theo đúng quy định của pháp luật; có chính sách cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp triển khai có hiệu quả các giải pháp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng đảm bảo chất lượng, góp phần tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 và những năm tiếp theo, ngân hàng nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và các nhu cầu thanh toán.
Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng và các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng cấp trên.
Đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho phát triển kinh tế. Ưu tiên tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... sử dụng nhiều lao động.
Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế nợ xấu, hỗ trợ tư vấn cho khách hàng trước, trong và sau khi cho vay hạn chế rủi ro các khoản vay, tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, hạn chế mức thấp nhất tổn thất cho khách hàng và bảo toàn nguồn vốn.
Bảo Yến