Từ cuối năm 2019, hơn 30 hội viên nông dân của xã Gia Tường (Nho Quan) bắt đầu tham gia lớp học nuôi thỏ do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Đến nay sau khoảng 1 năm các hội viên này đều đã xây dựng và phát triển thành công mô hình nuôi thỏ cho gia đình mình.
Một hội viên phấn khởi cho biết: Với nghề nuôi thỏ, chúng tôi đã có thu nhập cao gấp 3-5 lần trồng lúa. Để có thể duy trì và phát triển nghề này tại địa phương, công đầu phải kể đến sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân với việc dạy nghề rất bài bản. Trong thời gian 2 tháng, chúng tôi được truyền đạt các yêu cầu kỹ thuật nuôi thỏ, được hỗ trợ con giống, hỗ trợ thức ăn, thuốc thú y trong giai đoạn đầu… Sau đó, nhờ nắm bắt được cơ chế, bệnh tình, chu kỳ sinh sản của thỏ nên trong qua trình nuôi, chúng tôi đã kiểm soát được 90% dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt ngày càng thấp.
Chị Hoàng Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nho Quan cho biết: Trước khi phối hợp với Hội Nông dân tỉnh mở lớp dạy nghề, chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của bà con và nhu cầu của thị trường về các loại sản phẩm… Tại xã Gia Tường, chúng tôi ưu tiên nghề nuôi thỏ bởi đây là loại con nuôi dễ chăm sóc, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có (như cám, rau, cỏ, lá), thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thu hồi vốn nhanh. Hơn nữa trên địa bàn đã có HTX nuôi thỏ (cũng do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập) nên có thể đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Được biết, trong năm 2020 Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân phối hợp tổ chức dạy nghề và truyền nghề cho trên 10 nghìn lượt hội viên nông dân, tập huấn chuyển giao KHKT cho trên 100 nghìn lượt người tham dự. Đồng thời giao Trung tâm dạy nghề trực tiếp tổ chức 11 lớp dạy nghề cho 335 học viên là lao động nông thôn với kinh phí gần 600 triệu đồng.
Sau học nghề, học viên học nghề phi nông nghiệp được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 90% học viên học nghề nông nghiệp có năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cao hơn trước khi học nghề.
Ông Đinh Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình dạy nghề mang hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đó là những nghề có cơ hội tạo việc làm cao, phù hợp với nhu cầu thực tế từng địa phương hoặc có các sản phẩm được bao tiêu đầu ra. Ví dụ với lĩnh vực nông nghiệp, một số nghề đang được nhân rộng bao gồm nuôi gà, nuôi thỏ, trồng rau an toàn…
Ngoài ra, các nghề đan cói, đan bèo bồng cũng rất có hiệu quả. Qua những mô hình này, kỹ năng nghề của nông dân đã được cải thiện, chất lượng cây trồng, năng suất lao động, thu nhập tăng lên. Cùng với đó, nông dân còn được cung cấp các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và bước đầu được trang bị những kiến thức về khởi nghiệp.
Đặc biệt, điều đáng phấn khởi hơn cả là nhận thức của các cấp chính quyền và người dân với công tác đào tạo nghề có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn, nhất là người học, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để biết, chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp…
Để có được những bước tiến đáng kể trong công tác dạy nghề, Hội Nông dân tỉnh đã đặc biệt quan tâm giải quyết tình trạng "lệch pha" giữa các doanh nghiệp với các lớp dạy nghề khi nhiều lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của người tuyển dụng hoặc không phù hợp với ngành nghề của doanh nghiệp.
Hàng năm, Tỉnh hội giao Trung tâm tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu thu hút lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đó mới xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp, đề xuất với Trung ương Hội, các ngành liên quan cấp kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã lồng ghép các hoạt động hỗ trợ học viên sau khi học nghề về vốn, KHKT, vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, đặc biệt là tổ chức dạy nghề tại các nơi có hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có nhóm nghề tương đồng với nghề được học, thông tin về thị trường giúp cho học viên sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định.
Một điểm nổi bật khác là các lớp dạy nghề của Hội Nông dân được tổ chức ngay tại thôn xóm, thậm chí chia thành từng nhóm hộ để học với phương pháp "cầm tay chỉ việc", "nông dân dạy nông dân" giúp người học dễ tiếp thu kiến thức, hạn chế chi phí và thời gian đi lại… nên thu hút ngày càng đông hội viên tham gia.
Thời gian tới Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho hội viên với việc chú trọng hơn nữa công tác quản lý chất lượng đào tạo; bổ sung danh mục nghề; hoàn thiện chương trình đào tạo nghề hiện có và xây dựng một số chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ...
Bài, ảnh: Đào Duy