Những năm gần đây, sản xuất lúa gạo ở tỉnh ta liên tục được mùa, sản lượng và năng suất tăng qua các năm. Nhưng giá trị lúa gạo lại giảm đi do gặp khó khăn trong thị trường tiêu thụ, giá lúa gạo bấp bênh, có lúc xuống thấp dưới 4.000 đồng/kg. Việc bảo quản, chế biến nông sản của bà con nông dân và các cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở hình thức sơ chế và xuất bán thô là chủ yếu, hầu hết không có quy trình chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch theo đúng quy định.
Điều này không chỉ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, mà còn làm hạn chế khả năng tiêu thụ cũng như giá trị của các sản phẩm nông sản.
Nguyên nhân do người dân chưa nhìn nhận đúng về việc thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản sau thu hoạch. Phần lớn các sản phẩm nông sản của bà con tại các địa phương trong tỉnh hiện nay đều thiếu các điều kiện về chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Câu chuyện về Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình vừa đầu tư xây dựng nhà máy chế biến và bảo quản nông sản lớn nhất miền Bắc tại Ninh Bình nhằm đón đầu cơ hội xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường nước ngoài không chỉ được chính quyền mà bản thân người nông dân rất quan tâm vì đây được xem như hướng đi mới cho hạt gạo ở Ninh Bình vốn chỉ quen với việc nội tiêu trong phạm vi hẹp.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Văn Nga, Giám đốc Công ty cho biết: Việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp hiện đang là lĩnh vực còn nhiều khó khăn nhưng đem lại lợi ích xã hội rất lớn, do đó Công ty luôn xác định phải có chiến lược đầu tư về con người.
Trong đó, chú trọng 2 hướng đi chính là nghiên cứu khoa học và xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường. Hàng năm, Công ty đã dành 1,5 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đầu tư công nghệ và hàng tỷ đồng để "mua cơ hội" từ các Trung tâm tư vấn kinh tế quốc tế.
Để dọn đường cho gạo Ninh Bình xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ..., thời gian qua, Công ty đã chủ động xúc tiến thương mại ở nhiều thị trường nước ngoài. Sản phẩm của Công ty đã nhanh chóng được thị trường một số nước ở châu Phi, Campuchia, Lào... chấp thuận với hợp đồng trên 20.000 tấn/năm/nước.
Với chiến lược xuất khẩu các sản phẩm nông sản có chất lượng cao ra thị trường thế giới, Công ty là doanh nghiệp đầu tiên của miền Bắc được Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận VietGAP sản xuất theo quy trình sạch đảm bảo tiêu chuẩn. Đây là "tấm vé" thông hành để Công ty bước vào hội nhập trong giai đoạn hiện nay.
Để tìm cơ hội cho ngành sản xuất lúa gạo Ninh Bình, Công ty đã nhanh chóng hoàn thành giai đoạn I Dự án Nhà máy chế biến bảo quản nông sản Ninh Bình. Nhà máy được đầu tư công nghệ xay xát gạo tiên tiến, hiện đại của Nhật Bản, sản xuất khép kín từ khâu sấy, xay xát, đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu với công suất 50.000 tấn/năm.
Từ đầu tháng 8-2015, Nhà máy đã đi vào vận hành với công suất ban đầu là 30.000 tấn/năm. Đây là tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp Ninh Bình và của khu vực miền Bắc.
Với công suất này, Nhà máy có thể bao tiêu sản phẩm cho 500 ha vùng nguyên liệu sản xuất lúa của khu vực miền Bắc. So với các máy xay xát gạo thông thường, hệ thống dây chuyền của Nhà máy chế biến bảo quản nông sản Ninh Bình có thêm khả năng lau bóng, tách màu, lọc một số tạp chất. Hạt gạo sau khi thành phẩm đều, trắng, chất lượng được đảm bảo. Nhờ thế, giá trị gia tăng của hạt gạo tăng 1,5 lần so với xay xát thông thường.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, việc áp dụng chuỗi sản xuất lúa gạo theo mô hình khép kín như Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình (từ khâu chọn giống, chăm sóc, sử dụng phân bón, thu hoạch và sấy khô, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật trước khi xay xát bóc vỏ, hệ thống kho tàng, máy móc, thiết bị chế biến từng bước được đồng bộ hóa theo hướng hiện đại), chất lượng gạo thành phẩm được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu; đồng thời tận dụng triệt để phế liệu trong quá trình sản xuất (cám, trấu). Giá trị gia tăng của sản phẩm trong tất cả các khâu đạt hơn 200%, lợi nhuận của người trồng lúa tăng lên.
Để giữ uy tín trên thị trường trong nước và trên thế giới, trước khi đưa nguyên liệu vào chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường, Công ty phải thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra chất lượng.
Chị Nguyễn Anh Đào, Phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm, Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình cho biết: Khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình khép kín từ việc chọn giống, phân bón, thu hoạch và chế biến bảo quản. Quy trình này theo tiêu chuẩn VietGAP nên rất có lợi khi xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính.
Bên cạnh đó, trong quá trình canh tác trên những "cánh đồng mẫu lớn", nông dân phải thể hiện trên nhật ký đồng ruộng để đối tác kiểm tra các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng và phải đáp ứng được hàng trăm chỉ tiêu do phía đối tác nước ngoài đưa ra.
Giám đốc Vũ Văn Nga khẳng định: Nhà máy chế biến nông sản được đầu tư công nghệ hiện đại, sản phẩm gạo có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu, nhất là tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Sản phẩm gạo của Công ty đạt chất lượng và có giá cả cạnh tranh với gạo của Thái Lan.
Ước tính, dòng sản phẩm chất lượng cao của Công ty đưa ra thị trường đạt 800-1.200 đô la/tấn. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường, ông Vũ Văn Nga mong rằng Nhà nước có sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp về đất đai, vốn vay, xúc tiến thương mại... để doanh nghiệp có thể có cơ chế tốt nhất trong tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu nông sản cho người nông dân.
Có thể nói, với việc đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gạo lớn nhất miền Bắc đã mở ra hướng phát triển mới của ngành nông nghiệp Ninh Bình và các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.
Sản phẩm gạo có thể xuất khẩu sang các nước trên thế giới; giá trị hạt gạo tăng lên. Nhờ đó, thu nhập của người nông dân cũng được nâng lên nhờ có khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm này.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm