Chị Giang cho biết: Chính vì nguồn gốc thực phẩm sạch nên các sản phẩm của gia đình tôi cũng như của một số bà con ở quanh đây được tiêu thụ khá dễ dàng với giá cả ổn định. Thêm vào đó gia đình lại có phương tiện ô tô đi lại thuận tiện, nhanh chóng nên rau, củ, quả luôn đảm bảo tươi ngon đến tay các thương lái và người tiêu dùng ở thành phố Ninh Bình.
Hướng phát triển sản xuất đa ngành với nhiều loại cây, con khác nhau, đồng thời lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được chị Giang tìm hiểu và từng bước thực hiện từ khá lâu. Năm 2010, gia đình chị Giang bắt đầu triển khai mô hình canh tác đa ngành trên cùng một khu đất. Chị đã xin xã, HTX dồn đổi toàn bộ đất 313 của gia đình về khu vực đồng ruộng sát nhà và tiến hành chuyển đổi hình thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, ruộng được lên luống rộng 1,5-2 m, bên trên là khung giàn; xen kẽ các luống là những rãnh nước rộng 0,5-0,7 m. Công thức canh tác trong năm của mô hình là: dưới rãnh nuôi ốc, cá; mặt luống trồng dưa lê, cà chua, rau; trên giàn là các cây dây leo bí xanh, dưa chuột, mướp... Những năm đầu gia đình chị thu lãi khoảng 20 triệu đồng/sào. Kết quả đó đã thôi thúc chị Giang tiếp tục mở rộng mô hình. Đến năm 2013, nguồn vốn vay 400 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT qua Tổ vay vốn do hội nông dân quản lý đã tiếp sức để chị Giang hiện thực hóa mong muốn của mình. Đồng thời chị mạnh dạn mượn thêm 4 sào ruộng của anh em để mở rộng quy mô sản xuất. Chị Giang hiện đã trở thành một trong những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Kim Sơn với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương...
Chị Giang cho biết thêm: Hiện nay có rất nhiều mô hình sản xuất của bà con nông dân được mở ra ở khắp các địa phương vì vậy để mô hình của gia đình mình phát triển lâu dài, có thị trường tiêu thụ ổn định thì chúng tôi luôn chú trọng đến việc "nói không với thực phẩm bẩn". Để làm được điều đó, tôi đã tích cực tham gia các chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại các mô hình của nhiều địa phương; tìm hiểu qua sách, báo và các buổi tập huấn kỹ thuật do hội nông dân tổ chức. Những kiến thức này được áp dụng vào thực tiễn sản xuất với việc gia đình không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, luôn đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tuân thủ nghiêm túc các quy trình sản xuất…
Đào Duy